Nếu như trước đây, hoa giấy thường được trồng thành những lùm cây lớn, ra hoa sum suê kín cành thì thời gian gần đây, người chơi hoa cảnh lại thích ngắm những cây hoa giấy có dáng liễu rủ, mềm mại, uyển chuyển. Dáng hoa giấy liễu rủ phù hợp với những ngôi nhà có phong cách hiện đại, tạo cảm giác về không gian thoáng đãng, nhẹ nhàng, sang trọng.
Cây hoa giấy liễu rủ phù hợp với phong cách nội thất hiện đại. (Ảnh: Toutitao)
Thực tế, hoa giấy là cây rất dễ uốn và bạn có thể tạo dáng theo ý thích. Bên cạnh đó, sự xuất hiện các giống hoa giấy mới với màu sắc đa dạng cũng giúp bạn có nhiều lựa chọn để làm mới, tạo sự khác biệt cho loài hoa vốn rất quen thuộc.
Cách tạo dáng hoa giấy liễu rủ
Để tạo dáng hoa giấy liễu rủ, bạn cần chuẩn bị các dây kẽm. (Ảnh: Toutitao)
Trước tiên, bạn cần chọn cây con khỏe mạnh, đã có một đến hai nhánh để dễ tạo dáng hơn. Dụng cụ bao gồm kéo, dây làm vườn, giá đỡ cố định.
Có nhiều dáng liễu rủ mềm mại cho hoa giấy mà bạn có thể lựa chọn, như thế thác đổ, thế cành bay, thế sườn núi… Tùy theo sở thích, không gian trưng bày cũng như hình dáng sẵn có của cây mà bạn cân nhắc đưa ra quyết định.
Dáng thác đổ: Là dáng hoa giấy mà các cành hướng về một phía và rủ xuống. Để làm được điều này, bạn cần cố định dây để kéo cành hoa giấy về một bên; với những cành không kéo được thì dùng kéo cắt tỉa. Với sự hỗ trợ của dây uốn, bạn sẽ dễ dàng đưa cành hoa giấy vào đúng vị trí mong muốn vì đây là cây thân mềm, dễ uốn.
Cây hoa giấy liễu rủ với thế thác đổ. (Ảnh: Toutitao)
Thế cành bay: Bạn để một cành lớn nhất cố định ở độ cao mong muốn, khoảng từ 15-20cm, sau đó dần dần uốn các cành còn lại theo đường cong, hướng vòng lên cao rồi rủ dần xuống dưới.
Cây hoa giấy thế cành bay. (Ảnh: Toutitao)
Thế sườn núi: Làm tương tự thế thác đổ, tuy nhiên cành sẽ có độ thoải lớn hơn. Bạn cần dùng dây nhôm để kéo các cành theo một góc từ 35 – 45 độ.
Cây hoa giấy liễu rủ với thế sườn núi. (Ảnh: Toutitao)
Kỹ thuật chăm sóc để hoa giấy ra nhiều hoa
Để cây hoa giấy trở nên rực rỡ, bạn cần lưu ý những vấn đề sau:
Đất phải thoáng khí
Hoa giấy không yêu cầu cao về đất. Nó có thể phát triển tốt trong điều kiện đất chua, giàu dinh dưỡng, thông gió tốt.
Bạn có thể tự trộn đất hoặc mua đất trộn sẵn. Nhiều người trồng hoa giấy hay dùng phân bón hữu cơ. Đây là loại phân bón nhẹ, có tác dụng từ từ và cân bằng dinh dưỡng cho cây. Nó không chỉ giúp cây phát triển nhanh chóng mà còn cải thiện đất, làm cho đất trở nên màu mỡ, tơi xốp và thoáng khí hơn, duy trì độ chua và có thể giảm bớt độ cằn sau này.
Đất trồng cây hoa giấy cần có độ thoáng khí. (Ảnh: Toutitao)
Tránh chọn chậu hoa quá lớn
Chậu trồng hoa giấy không nên quá lớn, vì hoa giấy sau khi được trồng trong chậu sẽ tập trung phát triển cành và lá, chỉ nở hoa khi bộ rễ phát triển kín chậu. Mặt khác, hoa giấy cần được trồng trong điều kiện khô ráo, bạn sẽ phải kiểm soát được lượng nước để thúc đẩy cây ra hoa. Chậu hoa quá lớn sẽ khiến đất ẩm lâu sau khi tưới. Hệ thống rễ phải mất nhiều thời gian để phát triển kín chậu, trì hoãn việc ra hoa.
Chậu hoa giấy không nên quá lớn. (Ảnh: Toutitao)
Những cây hoa giấy lớn cần chậu lớn, tuy nhiên bạn nên lót thêm một ít gốm sứ hoặc sỏi dưới đáy chậu để tăng độ thoáng khí, giúp thoát nước và giảm lượng đất sử dụng.
Không có yêu cầu khắt khe nào về chất liệu và kiểu dáng chậu hoa; nó có thể cao, ngắn, tròn hay dài, quan trọng là bạn thấy phù hợp với không gian.
Tận dụng ánh nắng
Hoa giấy cần ánh nắng để hoa nở và có màu rực rỡ. (Ảnh: Toutitao)
Cây hoa giấy thích ánh sáng và sẽ nở hoa tốt hơn trong môi trường nhiều ánh sáng. Vì thế nếu muốn có cây hoa giấy rực rỡ, bạn không nên cho nó sưởi nắng ít hơn 4 giờ mỗi ngày. Tuy nhiên vào mùa hè, nếu có thể, bạn nên tránh để cây tiếp xúc với ánh sáng mạnh và nhiệt độ cao vào buổi trưa. Cây cũng khó nở hoa nếu thời gian chiếu sáng vượt quá 8 giờ. Thời gian chiếu sáng tối ưu là từ 6-8 giờ.
Khi có đủ ánh sáng, hoa giấy sẽ nở với số lượng lớn và màu sắc tươi thắm hơn. Nếu ít nắng, hoa giấy thường nhạt màu,cằn cỗi hơn.
Phân bón và nước hợp lý
Việc bón phân cho hoa giấy cần điều chỉnh theo các giai đoạn ngủ, sinh trưởng, nảy chồi và sau ra hoa.
Khi nhiệt độ xuống dưới 10 độ, hoa giấy sẽ bước vào thời kỳ ngủ đông và không cần bón phân. Trong thời kỳ sinh trưởng và ra hoa muộn, cần bón phân hỗn hợp cân bằng dinh dưỡng, trung bình bón 10 ngày một lần. Bạn có thể sử dụng phân bón đặc biệt dành cho hoa giấy.
Bón phân đúng thời điểm giúp cây ra hoa đẹp. (Ảnh: Toutitao)
Thời kỳ trước khi ra hoa, mục đích chính của việc bón phân là thúc đẩy sự hình thành nụ hoa. Bạn nên sử dụng các loại phân có hàm lượng lân và kali cao, chẳng hạn như bột xương và kali dihydro photphat. Khoảng 10 ngày nên bón một lần, có thể tưới vào rễ hoặc phun lên lá (chú ý phun cả mặt trước và mặt sau của lá).
Không tưới nước cho hoa giấy quá thường xuyên. Việc kiểm soát lượng nước phù hợp sẽ giúp cây nở hoa nhiều hơn. Tốt nhất nên đợi cho đến khi lá cây hơi héo thì mới tưới nước.
Đừng bỏ bê việc cắt tỉa
Luôn cắt tỉa hoa sau khi nở và cành già, cành chéo. (Ảnh: Toutitao)
Việc cắt tỉa hoa giấy không chỉ có tác dụng giữ dáng cây mà còn giúp cây nở hoa nhiều hơn. Sau khi hoa nở, bạn nên cắt tỉa cuống hoa kịp thời để tránh tiêu hao chất dinh dưỡng và đẩy nhanh thời kỳ ra hoa tiếp theo. Bạn cũng có thể tỉa nhanh khoảng 5-10cm từ điểm ra hoa để thúc đẩy sự phân nhánh.
Trên cùng một cây có nhiều cành, nguyên tắc là giữ những cành có hình dáng, đường cong đẹp. Giữa các cành nên có khoảng trống, có thể cắt bỏ những cành quá rậm rạp, thừa. Đừng quên cắt bỏ những cành chéo, loại bỏ lá già để khuyến khích sự phát triển của nhánh mới.
Theo VTC news