Vợ chồng tôi kết hôn cách đây hơn 10 năm. Cùng là dân tỉnh lẻ nên chúng tôi không có nhà ở Hà Nội mà đi thuê nhà suốt một năm sau kết hôn.
Kinh tế hai bên gia đình cũng không dư dả gì nhiều nên chúng tôi xác định hai vợ chồng phải tự lo cho cuộc sống của mình.
Năm 2015, sau khi biết tin mình có thai, tôi thấy nhu cầu về nhà ở trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Vì muốn nhờ bà nội, bà ngoại lên trông con giúp nên chúng tôi cần một căn nhà để ở.
Hai vợ chồng chỉ có hơn 200 triệu đồng nên buộc phải vay ngân hàng. Chúng tôi mua được căn chung cư hai phòng ngủ có giá hơn một tỷ đồng.
Tổng thu nhập của hai vợ chồng tôi là gần 30 triệu đồng/tháng. Suốt nhiều năm qua, mỗi tháng chúng tôi dành khoảng 7-8 triệu đồng để trả ngân hàng.
Số còn lại chúng tôi chi tiêu cho gia đình và dành một khoản tiết kiệm. Vì được hưởng gói vay ưu đãi nên mức lãi suất cố định chỉ 5% trong vòng 15 năm. Nhờ thế khi có tiền dư, chúng tôi không trả hết ngay mà muốn dành dụm làm việc khác.
Đến nay, dù còn nợ, chúng tôi vẫn tiết kiệm được một khoản tiền nhỏ. Cuộc sống của gia đình 4 người gồm hai vợ chồng và hai đứa con ở mức khá. Thi thoảng, chúng tôi còn cùng nhau đi du lịch.
Thời gian tới, tôi dự định dùng số tiền dành dụm đó góp với anh trai mua một mảnh đất ở quê. Đất đai về lâu dài vẫn có lời. Tuy nhiên, chồng lại đưa ra một ý kiến vô cùng bất ngờ.
Vợ chồng tôi không cùng quan điểm khi bàn về việc mua ô tô (Ảnh minh họa: ShutterStock).
Anh nói sẽ dùng số tiền đó để mua ô tô, tất nhiên vợ chồng tôi sẽ vẫn phải vay thêm một ít. Thủ tục giờ đơn giản vì chúng tôi có thể dùng chính chiếc ô tô là tài sản thế chấp. Với thu nhập hiện tại, chúng tôi hoàn toàn có khả năng vừa trả nợ nhà, vừa trả nợ ô tô và đảm bảo cuộc sống.
Theo anh, vợ chồng tôi sống ở xa nội thành, nếu có ô tô đi làm sẽ thuận tiện, không vất vả mưa nắng. Hơn nữa, việc đưa đón con đi học cũng sẽ thuận tiện hơn.
Việc có xe cũng giúp vợ chồng tôi đỡ cực nhọc mỗi lần về quê, đi lại an toàn, thuận tiện. Có phương tiện riêng, chúng tôi sẽ di chuyển chủ động, không còn cảnh về quê hôm trước, hôm sau đã nhấp nhổm ngược lên Hà Nội cho kịp xe.
Chồng còn nói, chúng tôi dù gì cũng đã gần 40 tuổi, nên suy nghĩ đến cuộc sống đầy đủ tiện ích một chút. Có xe cũng sẽ giúp anh có động lực, mục tiêu phấn đấu hơn.
Khi thuyết phục tôi, chồng còn dẫn ra câu chuyện của bạn bè rằng, ai cũng bảo “có ô tô sướng lắm”, “biết đi 4 bánh sướng thế này thì ai cũng cố mua xe sớm hơn”…
Bạn bè của anh, không ít người còn nợ tiền nhà nhưng vẫn mua ô tô từ vài ba năm trước.
Cuộc sống tiện ích, đi về mưa không tới mặt, nắng không tới đầu đương nhiên ai mà không ao ước. Nhưng tôi nghĩ, đó là khi không còn nợ nần, có một khoản tích lũy hay đầu tư ổn định. Đằng này, vợ chồng tôi vẫn còn nợ hơn 300 triệu đồng – số tiền không hề nhỏ.
Không chỉ có thế, tôi nghĩ xe là “tiêu sản”, mua về dùng chỉ có hao hụt, mất giá. Trong khi gia đình tôi quan trọng nhất là cần tiết kiệm, đầu tư, dự phòng và lo cho cuộc sống tương lai của các con. Tôi không dại gì lại phải “quàng” thêm một khoản nợ khác vào cổ.
Tôi lập tức phản đối đề xuất của chồng. Chồng tôi rất không vui và cho rằng, tôi là người cổ hủ. Vợ chồng tôi sinh con ra yêu thương các con, có trách nhiệm chăm sóc, cho ăn học đến đủ tuổi trưởng thành.
Sau này, nếu có dư thì cho con chút của cải. Tôi không nên tự ép buộc mình phải sống khắc khổ chỉ vì muốn dành dụm cho con.
Anh muốn các con sau này cũng tự lập, biết lo cho cuộc sống của mình như cái cách mà chúng tôi đã bám trụ và mưu sinh ở một mảnh đất xa quê.
Hai vợ chồng tôi vẫn mỗi người một ý. Không khí gia đình vài tuần nay vì thế ngày càng căng thẳng.
Theo Dân trí