Tôi không rõ phụ nữ sau khi cưới đều nhiều lời giống nhau, hay chỉ mình vợ tôi như vậy. Ngày xưa, cô ấy hiền thục, nhẹ nhàng bao nhiêu thì giờ hay cáu bẳn, khó tính bấy nhiêu. Ngày xưa, cô ấy ít nói, ngọt ngào bao nhiêu thì giờ như cái máy nói không có nút dừng.
Chuyện là vài hôm trước, tôi đi gặp rồi ăn tối cùng mấy ông bạn cơ quan cũ, lỡ quên gọi điện báo cắt cơm nhà. Thật không may, cuối buổi chiều có cuộc họp, tôi tắt chuông điện thoại rồi quên bật lại nên vợ gọi mấy cuộc không nghe. Vậy là từ lúc về, chỉ nghe tiếng vợ càu nhàu, khó chịu.
Vợ trách tôi ích kỷ, vô tâm, ham vui, chỉ biết mình, không bao giờ nghĩ cho người khác. Vợ bảo trong lúc tôi thoải mái ăn uống nói cười, vợ gọi hết người này đến người khác vì không gọi được cho tôi, lo lắng tôi gặp phải chuyện không may.
Tôi luôn nói cô ấy đừng suy nghĩ quá nhiều rồi trầm trọng hóa vấn đề lên. Có nhiều lý do để chồng không nghe điện thoại, đâu nhất thiết là tai nạn hay gặp chuyện gì không may. Thỉnh thoảng, chồng có lỡ vui quên gọi cắt cơm nhà cũng là thường tình, có gì mà ầm ĩ.
Từ chỗ nói nhiều, vợ bỗng nhiên im lặng khiến tôi thấy không quen (Ảnh minh họa: Freepik).
Thật ra, đó không phải lần đầu tôi quên gọi điện nhưng vợ tôi không rút kinh nghiệm. Lần nào gọi cho tôi mà không gặp được, kiểu gì cũng suy nghĩ linh tinh, gọi hết người này đến người khác hỏi han, cơm nấu xong không ăn nguội ngắt. Đến khi tôi về thì giận không ăn nổi, ôm bụng đói đi ngủ, không khác gì tự hành xác.
Mà đàn ông, mỗi khi có chút men vào, về nhà nghe vợ nói nhiều rất khó chịu. Khó chịu rồi “bật” lại vài câu, thế là vợ chồng cãi nhau, giận nhau, mệt mỏi vô cùng.
Lại nói chuyện hôm đó, cho đến tận lúc đi ngủ, vợ vẫn than phiền chưa dừng. Từ chuyện tôi đi nhậu không gọi điện về, cô ấy “dây cà ra dây muống” chuyện con càng lớn, học hành càng khó mà tôi không dành thời gian cho con. Rồi đến chuyện em trai tôi ở quê sắp lấy vợ, ông bà muốn chúng tôi mua vàng tặng em trong khi vàng đang đắt đỏ…
Cô ấy cứ hết chuyện nọ xọ chuyện kia khiến tôi không thể ngủ. Không kiềm chế nổi bực dọc, tôi lớn tiếng: “Đừng có lắm mồm nữa, không nói thì không chịu được à? Đi ngủ cũng không yên”. Không ngờ tiếng quát ấy lại có hiệu quả tức thì khiến vợ tôi im bặt, không nói thêm câu nào nữa. Hóa ra, bao lâu nay mình cứ im lặng, vợ tưởng mình hiền.
Thế nhưng, tác dụng của tiếng quát ấy kéo dài đến tận ngày hôm sau và cả hôm sau nữa khiến tôi bắt đầu thấy không ổn. Vợ tôi không nói chuyện với tôi, không nói một câu nào, trừ những câu hỏi không thể trả lời bằng cách gật đầu hoặc lắc đầu.
Hôm đầu, thấy vợ im lặng, tôi thấy nhà cửa yên ổn hẳn. Cô ấy thậm chí còn không thèm hỏi chồng chiều nay có về muộn không, có kịp đón con không? Tối đến, ăn xong còn không thèm ra điều kiện “hoặc anh rửa bát, hoặc anh dạy con học bài” như mọi khi. Nói chung, tôi thích làm gì thì làm, cô ấy không quan tâm.
Hôm sau, tôi báo cắt cơm nhà, về muộn, tới 10h tối vẫn chưa thấy vợ gọi cuộc nào. Nếu là trước đây, từ 9h cô ấy đã bắt đầu gọi nhắc uống ít thôi, uống nhiều nhớ bắt taxi mà về cho an toàn. Hôm nay, tuyệt nhiên không hề thấy gọi.
Gần 11h khuya, tôi về tới nhà. Tôi biết cô ấy chưa ngủ nhưng cũng không thèm hỏi tôi nay sao về muộn, không cằn nhằn, khó chịu lấy một câu. Đó là điều tôi khao khát bấy lâu nay. Nhưng sao bây giờ lại thấy lạ, không quen cho lắm.
Tình trạng này đã kéo dài sang tận ngày thứ 4 và tôi bắt đầu thấy khó chịu vì vợ ít lời. Thà cô ấy cứ nói nhiều như mọi khi, không khí trong nhà đỡ ngột ngạt. Cô ấy trở nên kiệm lời quá đáng như vậy, tôi rất không quen.
Nhà văn Tô Hoài từng nói về nhân vật Mị rằng: “Sống lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi”. Hình như tôi cũng vậy, sống lâu trong tiếng than phiền, cằn nhằn của vợ quen rồi, nay vợ ít nói bỗng thấy khó chịu.
Có phải vì tôi mắng vợ “lắm mồm” khiến cô ấy bị tổn thương nên mới “chiến tranh lạnh” kiểu ấy? Tôi chỉ muốn cô ấy bớt nói lại, không phải là im lặng hoàn toàn.
Tôi đang nghĩ mình có nên xin lỗi vợ? Nhưng nếu giờ tôi xin lỗi vợ thì đồng nghĩa với việc sau này tôi không có quyền được “bật” vợ khi cô ấy nói nhiều nữa.
Theo Dân Trí