Nghiên cứu sinh tiến sĩ Xiong Yuelei đã mua búp bê bằng bông đắt đỏ đầu tiên khi đang nghiên cứu xu hướng “nuôi dạy con cái bằng búp bê” hiện phổ biến ở Trung Quốc, cho một bài báo khoa học.
Vào thời điểm nghiên cứu được công bố một năm sau đó, cô gái 31 tuổi này đã trở thành thành viên nhiệt tình của một cộng đồng trực tuyến gồm hầu hết là phụ nữ trẻ, coi búp bê như con, thường xuyên đăng ảnh, video và nhận được rất nhiều lượt thích. lượt chia sẻ và nhận xét từ các “bà mẹ” đồng nghiệp.
Xiong đã kết hôn được 3 năm, cô thường xuyên khoe “đứa con” Lucine 1 tuổi với mái tóc dài màu xanh nhạt và nụ cười ngọt ngào thường trực. Vài tháng sau khi búp bê được giao đến, Xiong đã nâng cấp cho búp bê một bộ xương bằng dây, có thể đặt Lucine ở nhiều tư thế khác nhau, chẳng hạn như kiễng chân hoặc nghiêng đầu.
Búp bê Lucine của Xiong Yuelei
Xiong cho biết: “Tôi đã lắp một bộ xương vì tôi muốn con tôi trông dễ thương hơn một chút”, đồng thời giải thích, những người sở hữu búp bê mà cô ấy đã phỏng vấn cho nghiên cứu năm 2022 của mình, họ đều tin rằng việc lắp một bộ xương sẽ khiến búp bê trông có hồn hơn. Trong báo cáo nghiên cứu của mình, cô trích lời của một người phụ nữ: “Không có bộ xương, con búp bê chỉ nằm đó cứng như một tấm bảng, nhìn chằm chằm một cách trống rỗng, không giống một đứa trẻ sôi nổi chút nào”.
Theo những phát hiện được công bố trên Tạp chí Báo chí và Truyền thông Trung Quốc, sự vui vẻ của những “bố mẹ búp bê” này phần lớn đến từ việc tùy chỉnh búp bê và gắn cho chúng những cá tính riêng biệt, chẳng hạn như mặc quần áo và làm đẹp theo một phong cách cụ thể. Và giống như bất kỳ người mẹ hoặc người cha kiêu hãnh nào, họ rất vui khi “đứa con” của mình nhận được lời khen ngợi.
Mang “con” – búp bê đi cùng đến mọi nơi
Đại đa số thành viên trong cộng đồng “nuôi dạy con cái búp bê” này thường xuyên chia sẻ trực tuyến hình ảnh búp bê của họ là nhân vật chính trong một khung cảnh hàng ngày nào đó, chẳng hạn như ngồi trong quán với một tách cà phê, ngắm cảnh tại một điểm du lịch, hoặc là một phần của đám đông tại buổi hòa nhạc nào đó. Xiong thường đăng ảnh của Lucine trên mạng xã hội và trong các nhóm trò chuyện, cô cho biết: “Tôi muốn mọi người xem những bức ảnh này và tương tác với mình. Tôi thực sự thích cảm giác đó.”
Một cô gái nói: “Nếu một búp bê nhận được nhiều bình luận và tương tác hơn, tôi sẽ thích nó hơn, chụp nhiều ảnh hơn và chơi với nó nhiều hơn. Dần dần, tôi cảm thấy chúng dễ thương hơn và mua cho búp bê rất nhiều quần áo. Nếu một con búp bê không nhận được nhiều lượt thích, tôi có thể sẽ ít chụp ảnh hơn”.
Một con búp bê tên là Toffee thậm chí còn có trang dành riêng cho người hâm mộ trên nền tảng mạng xã hội Douban. Một người dùng viết: “Tôi nghĩ Toffee rất dễ thương, nhưng tất nhiên sự đáng yêu còn đến từ tất cả những lượt thích và khen ngợi trên mạng. Lúc đầu, tôi nghĩ đó chỉ là một con búp bê dễ thương, nhưng những “bà mẹ” khác đã khiến nó trở nên có tâm hồn hơn.”
Chi phí
Xiong cho biết những người đam mê thường mua búp bê bông theo nhóm từ những người làm búp bê chuyên nghiệp, được cộng đồng gọi là “bà mẹ búp bê” và trả tiền trước. Giá thiết kế và sản xuất từ 40 đến 70 tệ (6 đến 10 đô la) và mỗi nhóm mua gồm 50 đến 100 người.
Xiong phải đợi 1 năm sau khi đặt mới có hàng. Giống như hầu hết búp bê khác, Lucine có đôi mắt to chiếm gần 1/3 khuôn mặt, một “vẻ ngoài dễ thương” phổ biến.
Các cô gái trẻ khoe búp bê của mình tại một lễ hội ở Hàng Châu (Trung Quốc)
Một số người còn chọn búp bê làm theo yêu cầu, giá từ 2.000 đến 3.000 tệ. Xiong nhận thấy những người chủ này có xu hướng chú ý đến từng chi tiết, lựa chọn cẩn thận màu da và màu tóc của búp bê cũng như có những yêu cầu nghiêm ngặt về đường thêu. Cô nói: “Ngay cả sự khác biệt 1 milimet ở khoảng cách giữa hai mắt cũng sẽ quyết định liệu họ có nghĩ con búp bê đó đẹp hay không”.
Dù được sản xuất hàng loạt hay đặt làm riêng, quần áo vẫn là khoản chi phí lớn nhất, với giá từ 40 đến 100 tệ cho các trang phục gồm đồng phục học sinh, trang phục truyền thống và trang phục kiểu các loài vật. Chủ nhân cũng tạo ra “không gian sống” cho búp bê của mình, với bàn ghế, máy tính, thảm, cây cối, đồ ăn nhẹ và nhiều mặt hàng khác có sẵn có thể dễ dàng mua trên mạng.
Bộ sưu tập búp bê của Xiong Yuelei
Một số bạn trẻ thậm chí còn thuê các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp để chụp chân dung búp bê của họ, trang điểm, làm tóc với phông nền đẹp như tranh vẽ. Trong khi các nhà sản xuất búp bê chuyên dụng cung cấp các dịch vụ làm sạch, lắp khung xương, nhồi bông và đánh má hồng, trên mạng cũng có nhiều clip hướng dẫn cho những ai muốn tự làm những việc này.
Tuy nhiên, rất ít người chia sẻ sở thích của mình với cha mẹ, vì việc chơi búp bê thay vì chuẩn bị có con có thể bị coi là điều kỳ quặc ở một số gia đình. Khi Xiong biết mẹ cô, sống ở một thành phố khác, lên kế hoạch bất ngờ đến thăm nhà cô ngay trước Tết Nguyên đán, cô đã dành cả buổi tối để đóng gói những con búp bê của mình và giấu chúng trong tủ quần áo. Cô lo lắng mẹ mình sẽ chỉ trích con gái lớn mà còn chơi búp bê.
Cảm giác cô đơn, cần được “chữa lành”
Trong giai đoạn đầu nghiên cứu, Xiong nhận thấy “cha mẹ búp bê” chủ yếu là những người trẻ đang học đại học hoặc vừa đi làm. Khác với cách trẻ em chơi búp bê có xu hướng bắt chước hành vi nuôi dạy trẻ, những người sở hữu búp bê không gắn việc chăm sóc búp bê với việc nuôi dạy con cái. Nhiều người thậm chí còn cho biết từng cân nhắc việc không kết hôn và không có con.
Ngoài ra, Xiong nói rằng tất cả những thợ làm búp bê chuyên nghiệp mà cô gặp, cung cấp các dịch vụ như làm sạch, thay bông, lắp khung và nhồi bông đều là sinh viên kiếm thêm một chút tiền để tiêu vặt. Đối với họ, lý do chính làm việc là niềm vui. Trong đời thực, một số người nuôi con khá cực đoan, áp đặt con cái. Ngược lại, trong thế giới búp bê, búp bê của ai cũng mặc đẹp, các bà mẹ khen ngợi nhau và ai cũng cảm thấy hài lòng.
Cảm giác cô đơn là điều thường thấy ở những bà mẹ búp bê, trong đó búp bê đóng vai trò là kho chứa cảm xúc.
Xiong phát hiện ra rằng một số phụ nữ trẻ sẽ hành động với búp bê của họ giống như cách mẹ họ đã nuôi dạy con. Ví dụ, nếu mẹ may cho họ những bộ quần áo đẹp, họ cũng sẽ làm điều tương tự cho búp bê của mình. Đối với những người khác, điều đó mang lại cơ hội để suy ngẫm về quá trình trưởng thành của họ. Cô nói: “Tôi đã nói chuyện với một sinh viên năm thứ 2, cô ấy cảm thấy mình không nhận được đủ tình yêu thương từ cha mẹ khi còn nhỏ, vì vậy cô ấy chỉ muốn dành cho những con búp bê của mình những thứ tốt nhất và mặc cho chúng những bộ quần áo đẹp nhất”.
Mặc dù áp lực làm mẹ sẽ không đột ngột biến mất nhưng những phụ nữ trẻ này dường như đang tìm thấy người bạn đồng hành lâu dài và đáng tin cậy khi tương tác với búp bê. Theo một cách nào đó, họ đang chăm sóc vỗ về bản thân bằng cách chăm sóc búp bê.
Theo Tiền Phong