1. Gội đầu đúng cách
Để có mái tóc bồng bềnh, trước hết cần lựa chọn dầu gội phù hợp với loại tóc, có các thành phần từ thiên nhiên, hạn chế mùi hương nhân tạo và không cần thiết quá nhiều bọt. Hạn chế sử dụng các dầu gội có chứa thành phần gốc sulfat hay silicone vì chúng sẽ khiến tóc gãy rụng.
Khi gội, nên dùng nước ấm vừa để bảo vệ da đầu và tóc. Sau khi gội dầu gội, hãy thoa dầu xả và kem ủ tóc lên phần ngọn tóc để dưỡng ẩm cho tóc. Tránh thoa dầu xả lên da đầu để hạn chế tình trạng bết và ngứa da đầu.
Bạn không nên gội đầu quá thường xuyên bởi việc này có thể làm mất đi độ ẩm tự nhiên của tóc, tóc càng dễ khô, xơ rối. Thay vào đó, nên duy trì tần suất gội đầu khoảng 2-3 lần/tuần.
Để tăng cường dưỡng chất cho mái tóc bồng bềnh, bạn có thể áp dụng các công thức ủ tóc đơn giản tại nhà sau khi gội đầu.
2. Ủ tóc
Bạn có thể sử dụng ngay những nguyên liệu trong bếp để làm mặt nạ ủ tóc. Ví dụ như trứng gà, nha đam, chuối, dầu dừa…
– Mật ong và dầu dừa: Mật ong có khả năng cấp ẩm, tăng cường dưỡng chất nuôi dưỡng tóc từ bên trong và giúp tóc mềm mượt hơn. Khi kết hợp cùng dầu dừa, hỗn hợp sẽ giúp mái tóc trở nên bồng bềnh hơn, giảm gãy rụng.
Cách làm mặt nạ mật ong và dầu dừa rất đơn giản. Trộn mật ong và dầu dừa theo tỉ lệ 1:1, sau đó thoa đều hỗn hợp lên tóc. Dùng khăn trùm tóc lại và ủ tóc trong khoảng 20 phút, xả sạch tóc với nước mát và để khô tự nhiên.
– Trứng gà: Trứng gà là nguồn protein, biotin và axit béo dồi dào, giúp nuôi dưỡng mái tóc bồng bềnh, bóng mượt.
Để làm mặt nạ trứng gà, hãy đánh tan 1-2 quả trứng gà (có thể chỉ dùng lòng đỏ nếu tóc khô), thêm 2-3 thìa dầu oliu hoặc dầu dừa để tăng hiệu quả dưỡng ẩm. Thoa hỗn hợp ủ tóc lên phần ngọn tóc để dưỡng ẩm cho tóc. Sử dụng mũ trùm tóc hoặc khăn ấm để ủ tóc trong 30 phút trước khi xả sạch. Lưu ý, không dùng nước nóng để tránh làm chín trứng.
– Sữa chua: Sữa chua chứa nhiều chất dinh dưỡng như riboflavin giúp các sợi tóc chắc khỏe từ gốc, vitamin B12 hỗ trợ mọc tóc và ngăn ngừa gàu. Biotin và choline trong sữa chua cũng giúp phục hồi tóc hư tổn, đồng thời kích thích máu lưu thông đến nang tóc, giúp tóc bồng bềnh, suôn mượt.
Bạn chỉ cần chuẩn bị 2 muỗng sữa chua, vài giọt nước cốt chanh và 1 muỗng mật ong. Trộn đều các nguyên liệu rồi thoa mặt nạ lên tóc, chú ý ủ kỹ phần gốc và ngọn tóc. Ủ tóc trong khoảng 30 phút để các dưỡng chất từ từ thấm vào nang tóc (có thể sử dụng khăn bông mềm ủ tóc để tăng cường hiệu quả). Cuối cùng, gội lại bằng nước mát và dầu gội.
3. Thay đổi đường rẽ ngôi
Qua thời gian, bạn nên tạo đường rẽ ngôi khác cho mái tóc. Mẹo nhỏ này có thể tạo độ phồng cho tóc, cũng như giúp bạn tạo kiểu tóc mới. Nếu bạn đang để đường rẽ ngôi bên trái, hãy lật ngược sang phía đối diện. Nếu tóc khó vào nếp, bạn có thể dùng keo xịt tóc.
4. Cách sấy tạo độ phồng cho tóc
Bạn hoàn toàn có thể sử dụng máy sấy thông thường để tạo độ phồng cho tóc tại nhà. Hãy cúi đầu để tóc buông xuống trước mặt và bắt đầu sấy từ chân tóc đến ngọn tóc. Ngoài ra, nên nhấc từng phần tóc và sấy thẳng đứng để tạo nên kết cấu bồng bềnh cho tóc.
Lưu ý, điều chỉnh nhiệt độ sấy phù hợp, vì sấy tóc với nhiệt độ cao dễ khiến mái tóc của bạn trở nên khô yếu và hư tổn, gãy rụng.
Máy sấy thông thường có thể tạo độ phồng cho tóc nếu bạn biết cách.
5. Sử dụng lô cuốn tạo độ phồng cho tóc
Lô cuốn tóc có thể tạo độ phồng cho tóc. Sau khi gội đầu, bạn nên để tóc khô khoảng 70% rồi cuộn tóc vào lô cuốn rồi sấy khô hoàn toàn. Khi tháo lô, bạn sẽ thấy tóc bồng bềnh rất tự nhiên.
6. Sử dụng dầu gội khô
Để tránh gội đầu quá thường xuyên, bạn có thể sử dụng dầu gội khô để làm sạch tóc tạm thời, đồng thời tạo hiệu ứng phồng ngay lập tức cho chân tóc.
Lưu ý, xịt dầu gội khô vào phần chân tóc, dùng ngón tay hoặc lược chải nhẹ nhàng. Không nên dùng dầu gội khô khi tóc còn ướt và tránh sử dụng liên tiếp nhiều ngày. Điều này có thể gây kích ứng da đầu hoặc khiến bụi bẩn bám dày hơn trên mái tóc.
Theo Sức khỏe đời sống