1. Công dụng của bồ kết đối với mái tóc
– Nuôi dưỡng mái tóc khỏe đẹp: Gội đầu bằng bồ kết giúp phục hồi tóc khô xơ, chẻ ngọn, đồng thời cân bằng các tuyến bã nhờn nhờ hàm lượng flavonozit và saponaretin có trong nó. Ngoài ra, bồ kết còn cung cấp một lượng lipid, protein thích hợp cho mái tóc. Các dưỡng chất này sẽ thẩm thấu sâu vào da đầu và từng lõi tóc, giúp nuôi dưỡng nang tóc và sợi tóc chắc khỏe, suôn mượt.
– Kích thích mọc tóc: Bồ kết giúp ngăn ngừa tình trạng rụng tóc, kích thích quá trình tái tạo tóc, mọc tóc nhanh chóng. Nhờ đó, gội đầu bằng bồ kết có thể cải thiện tình trạng rụng tóc nhiều.
Bồ kết giúp ngăn ngừa tình trạng rụng tóc, kích thích quá trình tái tạo tóc, mọc tóc nhanh chóng.
– Giúp da đầu sạch gàu: Gàu là hiện tượng những tế bào chết trên da đầu bị bong ra khỏi da, tạo nên các mảng bụi li ti hoặc từng mảng lớn khiến mái tóc mất đi sức hấp dẫn. Mặt khác, do các tác nhân bụi trong không khí, mồ hôi khi vận động sẽ càng dễ khiến da đầu người bị gàu ngứa ngáy, khó chịu.
Gội đầu bằng bồ kết nhằm ngăn ngừa gàu xuất hiện. Bồ kết có chứa tới 10% saponin – là một chất có tác dụng trong kháng viêm, diệt khuẩn, tẩy sạch gàu và lành tính với da đầu.
– Hỗ trợ trị nấm da đầu: Bồ kết có tính kháng khuẩn, kháng viêm và diệt nấm rất tốt nhờ chứa 10% thành phần saponin. Hoạt chất này tiêu diệt tận gốc các tế bào gây nấm da đầu tương tự như loại bỏ các mảng gàu.
2. Cách nấu nước bồ kết gội đầu tại nhà
Để nấu nước bồ kết gội đầu, bạn nên chọn những trái bồ kết đã chín, già, có màu nâu sậm để mang lại công dụng tốt hơn cho tóc. Đem phơi nắng, sau đó nướng bồ kết hoặc rang giòn cho tới khi có mùi thơm, màu vỏ ngả sang màu vàng cánh gián.
Bẻ nhỏ khoảng 5 – 7 quả bồ kết đã nướng thơm vào nồi và đun sôi cho đến khi nước chuyển sang màu vàng nâu đậm đồng thời có bọt sủi lên là được. Nước sau khi nấu xong có thể pha thêm nước lạnh cho nguội bớt để gội.
Ngoài ra, bạn có thể kết hợp bồ kết với các thảo dược khác có chứa tinh dầu tốt cho tóc như lá bưởi, sả, vỏ cam, hương nhu… Đầu tiên, bạn đun sôi nước bồ kết, sau đó cho các thảo dược trên vào đun 5 phút nữa. Lưu ý rằng không nên đun quá sớm bởi chúng có nhiều tinh dầu rất dễ bay hơi.
Nước bồ kết sau khi nấu xong có thể pha thêm nước lạnh cho nguội bớt để gội.
3. Một số lưu ý khi gội đầu bằng bồ kết
– Không nên gội đầu bằng nước nóng: Bạn chỉ nên gội đầu với nước ấm ở mức khoảng 35 độ C; tránh gội nước quá nóng sẽ khiến da đầu bị khô, dễ bong tróc và tạo thành vảy gàu.
– Tần suất gội và liều lượng hợp lý: Gội đầu quá ít hoặc quá thường xuyên đều không tốt cho mái tóc, thay vào đó, bạn chỉ nên gội từ 2-3 lần mỗi tuần.
– Massage da đầu nhẹ nhàng trong khi gội: Sử dụng các đầu ngón tay hoặc dụng cụ massage để massage da đầu trong quá trình sử dụng bồ kết. Việc này sẽ giúp các dưỡng chất được thẩm thấu và phát huy tác dụng tốt hơn đối với tóc. Lưu ý, không sử dụng móng tay trong quá trình massage da đầu, bởi có thể làm tổn thương da đầu và nang tóc một cách đáng kể.
– Tránh để nước gội dính vào mắt: Nước bồ kết dính vào mắt có thể gây cảm giác cay mắt. Do đó, hãy cẩn thận để tránh làm nước gội dính vào mắt. Nếu chẳng may nước bồ kết dính vào mắt, hãy dùng khăn thấm nước sạch chạm đều hai bên mắt.
– Đối với da dầu nên loại bỏ hạt bồ kết trước khi nấu nước gội đầu: Hạt bồ kết tuy chứa nhiều tinh chất dưỡng nhưng lại dễ gây cảm giác rít tóc, nếu không thích bạn có thể loại bỏ hạt trước khi nấu. Khi gội xả tóc lại bằng nước chanh pha loãng sẽ giúp tóc đỡ bết dính và óng mượt hơn. Nếu bạn thuộc da khô thì có thể để nguyên hạt.
– Không nên dùng nước bồ kết để qua ngày: Nước bồ kết rất nhanh hỏng, nếu bạn cho thêm hoa cỏ vào thì lại càng nhanh hỏng hơn nữa, do đó, chỉ nên dùng nước bồ kết trong ngày. Bạn có thể nướng sẵn quả khô, bảo quản ở nơi khô ráo và lấy ra khi cần nấu nước gội đầu.
Theo Sức khỏe đời sống