Thịt chuột đồng là nguyên liệu chế biến món ăn quen thuộc của người dân ở một số huyện của Hải Phòng như Kiến Thụy, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng và dần trở thành đặc sản thu hút thực khách từ các địa phương lân cận tìm tới thưởng thức.
Theo bà con địa phương, khoảng từ tháng 9 đến đầu tháng 11 âm lịch là thời điểm thịt chuột đồng đạt chất lượng nhất. Khi ấy, chuột tìm đến những ruộng lúa chín ăn thóc, tích mỡ để chống chọi với cái lạnh mùa đông nên con nào con nấy béo ú.
Người dân tranh thủ thời gian này đi bắt chuột, vừa bảo vệ mùa màng, vừa có thêm nguồn thu nhập hay nguyên liệu chế biến thức ăn.
Người dân Tiên Lãng đi bắt chuột đồng
Anh Phạm Quyền (ở Tiên Lãng) cho biết, chuột đồng sau khi bắt về được trụng vào nước sôi để làm lông, sau đó thui qua lửa. Cách làm này giúp thịt chuột có lớp da vàng ruộm, khi chế biến món ăn sẽ có màu sắc bắt mắt và mùi vị thơm ngon.
Chuột thui xong sẽ tiến hành lọc bỏ nội tạng và phần hoi (ở hai bên háng), bỏ đầu, chân rồi rửa lại với nước muối để làm sạch. Tùy từng nơi, người dân còn giữ lại phần gan chuột vì bộ phận này được đánh giá có độ béo ngậy, ăn ngon.
Nếu muốn khử mùi tanh, người ta đem thịt chuột ngâm với nước gừng hoặc nước cốt chanh trong 10-15 phút trước khi nấu.
Món thịt chuột đồng nướng
Thịt chuột có thể chế biến thành nhiều món nhưng phổ biến nhất là thịt chuột luộc vì dễ chế biến và giữ nguyên được hương vị ban đầu.
Thịt chuột sau khi sơ chế sạch sẽ được cuộn chặt lại, đem luộc với nước sôi từ 7-10 phút. Nước luộc có thể cho thêm gừng, muối và một số gia vị như hành, mắm, tiêu,… để thịt đậm đà và dậy mùi thơm.
Thông thường, khi luộc thịt chuột xong, người dân địa phương không ăn ngay mà thực hiện thêm một vài thao tác để món ăn hấp dẫn hơn, ví dụ như hong qua đêm hoặc ép lá ré (hay còn gọi là gừng dại, mọc tự nhiên ở nhiều vùng nông thôn, hình dáng khá giống cây riềng).
“Ở quê tôi, thịt chuột luộc xong vớt ra để ráo. Sau đó, người ta trải lá chuối, lót một lớp lá ré bên trong rồi đặt thịt chuột vào giữa.
Tùy sở thích từng người mà có thể cho thêm một số nguyên liệu khác như lá gừng, lá riềng, lá chanh, lá sả giã hoặc thái nhỏ để tăng mùi thơm cho món ăn. Sau đó cuộn chặt thịt chuột với lá ré, rồi dùng cối đá hoặc vật nặng đè lên trên”, anh Quyền nói.
Thịt chuột đồng có giá đắt ngang thịt bò
Theo anh, quá trình ép này giúp thịt chuột săn lại, ăn dai ngon hơn và đượm mùi thơm đặc trưng từ lá ré.
Khi thưởng thức, người ta gỡ các lớp lá bên ngoài ra rồi chặt thịt chuột luộc thành các miếng nhỏ vừa ăn, bày ra đĩa và rắc lá chanh thái nhỏ lên trên.
Thịt chuột luộc chấm cùng nước mắm gừng, thêm ớt cay hoặc đơn giản hơn là chấm muối ớt chanh đều ngon.
Thịt chuột đồng được nhận xét dai, ngon hơn thịt gà, trở thành món nhậu khoái khẩu ở một số huyện ngoại thành Hải Phòng
Đến các huyện Kiến Thụy, Vĩnh Bảo hay Tiên Lãng vào mùa lúa chín, du khách có thể bắt gặp những mẻ chuột đồng được sơ chế sẵn và bán trong các khu chợ dân sinh với giá từ 220.000 – 250.000 đồng/kg.
Từ nguyên liệu này, bà con địa phương mua về tẩm ướp gia vị, chế biến thành một số món ngon như nướng, quay lu, xào lăn,… Cầu kỳ hơn, người ta còn biến tấu thịt chuột thành món xôi (giống xôi chim) và giả cầy, tạo sự đa dạng cho ẩm thực vùng bản địa.
“Thoạt nhìn, nhiều du khách sẽ thấy sợ nhưng khi mạnh dạn nếm thử các món ăn từ thịt chuột đồng sẽ thấy ngon hơn thịt gà”, anh Quyền nhận xét.
Tuy nhiên, vì chuột đồng sống ở tự nhiên nên dễ mang mầm bệnh và ký sinh trùng. Dù thịt chuột được sơ chế sạch sẽ và trải qua các công đoạn nấu chín nhưng thực khách vẫn cần cân nhắc và cẩn trọng khi sử dụng.
Theo Vietnamnet