Ba bạn nhỏ Đặng Lưu An Tường (11 tuổi), Đặng Lưu Khánh Linh (8 tuổi) và Lưu Đặng Phương Đông (5 tuổi) tỏ ra hào hứng chuẩn bị cho chuyến đi xuyên Việt.
Đã quen theo bố mẹ chu du khắp nơi trên “ngôi nhà di động” nên ba đứa trẻ rất tự lập, có thể tự chuẩn bị đầy đủ đồ dùng cá nhân. Mỗi khi đi qua những điểm từng tới, các bé líu lo nhắc lại những kỷ niệm. Riêng Tường và Linh thỉnh thoảng còn mang những kiến thức lịch sử, địa lý học được trên lớp ra “khoe” với nhau.
Năm nay, mục tiêu của gia đình anh Trường là chạm tới Đất Mũi (Cà Mau), điểm cực nam của Tổ quốc. Ba chuyến xuyên Việt trước đây, khi tới Cần Thơ, gia đình đều phải “quay đầu” vì những công việc đột xuất.
“Các bạn nhỏ đều đã nghe đâu đó: ‘Nghe nói Cà Mau xa lắm, ở cuối cùng bản đồ Việt Nam’. Chính vợ chồng tôi cũng chưa có dịp tới mảnh đất này, nên cả nhà đầy háo hức, mong chờ”, anh Trường chia sẻ.
Gia đình anh Trường du lịch cùng ‘ngôi nhà di động’
Gia đình di chuyển bằng chiếc xe 7 chỗ đã gắn bó gần 10 năm, được trang bị như một “ngôi nhà di động”. Xe có hệ thống điện 3kW – đủ phục vụ các sinh hoạt cơ bản cho gia đình như đèn, quạt trong 3 ngày; 100l nước, thường dùng để tắm tráng cho các con khi tới bãi biển hay nấu ăn ven đường. Trên xe còn có lều trại, bàn ghế, bếp di động… Theo ước tính của anh Trường, chi phí đầu tư cho “ngôi nhà di động” này khoảng 150 triệu đồng.
Trong 5 ngày đầu của hành trình, đồng hành cùng gia đình anh Trường còn có nhà em trai và chị gái. Đại gia đình lái ô tô cá nhân vào Quy Nhơn du lịch. Ở những khu vực bãi biển đẹp, hoang sơ, gia đình dừng xe, hạ lều trại để người lớn nghỉ ngơi, các con thoải mái nô đùa với biển.
Sau khi gia đình em trai quay về Hà Nội, nhà anh Trường và chị gái tiếp tục hành trình tới Cà Mau. Thay vì chọn đi cung đường ven biển và cao tốc như các lần trước, anh Trường lái xe vào tỉnh lộ để con có thể thấy rõ nhất đời sống của bà con bản địa. Mỗi 16h, gia đình sẽ dừng chân tại bãi biển để trẻ con chơi đùa, sau đó tìm nơi thưởng thức đặc sản địa phương, khách sạn để nghỉ ngơi.
“Năm ngoái, gia đình chủ yếu cắm trại thay vì thuê nhà nghỉ, homestay, trừ những nơi không thuận lợi hay thời tiết xấu. Các con tôi vốn đã quen với việc ngủ trên ô tô, ngủ lều giữa thiên nhiên nên chúng không thích ở nhà nghỉ. Tuy nhiên, năm nay, gia đình đi muộn hơn, đúng vào thời điểm nắng nóng gay gắt. Để đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình, tôi chọn ở khách sạn”, anh Trường cho biết.
Tới ngày thứ 10 của hành trình, gia đình anh Trường hoàn thành mục tiêu, tới Đất Mũi. “Đúng là Đất Mũi xa thật bố ạ. Đi mấy tiếng từ TPHCM mới tới thành phố Cà Mau, phải thêm 3 tiếng nữa mới đến Đất Mũi”, Tường và Linh “than thở”.
Gia đình đi xuyên qua khu vực rừng ngập mặn ở Cà Mau
Nằm cách trung tâm thành phố Cà Mau khoảng 110km, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển từ lâu luôn là địa điểm hấp dẫn du khách đến tham quan. Đây cũng là điểm cuối cùng của đường Hồ Chí Minh. Con đường bắt đầu từ Pác Bó – Cao Bằng đi qua 28 tỉnh thành phố và kết thúc ở điểm cực nam của Tổ quốc. Công trình gồm tượng đài và hai bức phù điêu ở Đất Mũi được khởi công vào năm 2017.
Khi nghe bố giới thiệu về Đất Mũi, ba đứa trẻ “ồ, òa” đầy vẻ thích thú. Các con nhanh chân chạy tới tiểu cảnh Pano hình con tàu hướng ra Biển Đông – biểu tượng của Đất Mũi Cà Mau để chụp ảnh kỷ niệm.
Trên cánh buồm có ghi tọa độ của mũi Cà Mau, điểm chụp hình được du khách đặc biệt yêu thích
Vợ chồng anh Trường đưa con trải nghiệm đi cầu khỉ xuyên rừng để khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn, tận mắt xem các loại cây phổ biến ở đây như mắm, đước, sú, vẹt. Buổi tối, gia đình thưởng thức đặc sản Cà Mau như cua, cá thòi lòi…
“Không ít người hỏi tôi: ‘Sao hay đưa con xuyên Việt thế, vừa vất vả vừa tốn kém’; ‘Sao mùa hè không cho con học thêm, học năng khiếu’… Tuy nhiên, vợ chồng tôi có quan điểm, mỗi chuyến đi là vô vàn bài học thực tế.
Ở trên lớp, trong các tiết học địa lý, cô giáo thường khen Tường và Linh rất hiểu biết. Các con mạnh dạn giới thiệu về các địa danh trên khắp cả nước từ Cao Bằng, vùng biển đảo Lý Sơn tới chợ nổi Cái Răng…”, anh Trường nói.
“Chúng tôi xác định kỳ nghỉ hè là thời điểm du lịch, trải nghiệm, rèn luyện thể chất và kỹ năng sống cho con, đặc biệt là tình yêu với vẻ đẹp đất nước. Có thể khi các con lớn hơn, chúng tôi sẽ giảm thời gian du lịch để các bạn ấy học thêm theo ý muốn. Còn hiện tại, tôi vẫn yên tâm khi hai bạn lớn luôn làm lớp trưởng, có thành tích trong top đầu của lớp”, anh chia sẻ thêm.
Anh Trường cảm thấy may mắn lớn nhất của vợ chồng anh là các con có sức khỏe tốt, thích nghi nhanh với các môi trường sống khác nhau. Từ khi 1-2 tuổi, ba bạn nhỏ đã được trải nghiệm ngủ lều trong rừng, ven suối, lên Phia Oắc đón băng giá âm độ C hay “thử thách” với nắng nóng miền Trung 40 độ C. “Các con phải yêu thích thì chuyến đi mới thành công. Xuyên Việt là hành trình dài nên không thể ép con đi theo mong muốn của bố mẹ”, ông bố Hà Nội cho hay.
Gia đình Hà Nội lựa chọn xuyên Việt mỗi mùa hè để cùng con khám phá đất nước
Gia đình đang quay trở lại TPHCM để anh Trường giải quyết một số công việc kinh doanh. Trong thời gian đó, vợ và các con anh sẽ đi khám phá các điểm đến trong thành phố. Dự kiến, gia đình sẽ trở về Hà Nội theo cung đường biển, trong 20 ngày.
Chi phí trong 10 ngày xuyên Việt đầu tiên của gia đình 5 thành viên là 20 triệu đồng, trong đó chiếm phần lớn là tiền xăng dầu, cầu đường.
Theo Vietnamnet