Với người Việt Nam, thắp hương là nghi thức không thể thiếu trong các hoạt động tín ngưỡng, tâm linh, là cách kết nối với tổ tiên, thần linh, thể hiện sự tôn kính và lòng thành với các bậc được thờ cúng. Khi muốn thông cáo, xin phép hay bày tỏ nguyện vọng với thần thánh và tổ tiên, mọi người phải thắp hương để tạo nên sự kết nối này.
Vì sao người xưa nói không nên thắp hương buổi tối?
Ngày nay do công việc bận rộn, mọi người thường thắp hương vào những thời điểm mà bản thân có thể bố trí thời gian, tuy nhiên người xưa quan niệm không nên thắp hương vào buổi tối, trừ khi phải làm lễ vào giờ định sẵn, khi cần tiếp tục duy trì việc thắp hương nhiều giờ hoặc những hoàn cảnh, tình huống đặc biệt khác. Vì sao lại như vậy?
Theo quan niệm của dân gian xưa, ban ngày thuộc dương, ban đêm thuộc âm. Vào ban đêm, âm khí thịnh, việc thắp hương không chỉ thỉnh mời hương linh tổ tiên mà còn có thể “gọi mời” các thế lực không mong muốn, đem lại điều rủi ro. Vì thế nhiều người dặn dò nhau nếu có thể thì nên tránh thắp hương vào ban đêm để không tạo cơ hội cho những nguồn năng lượng xấu xâm nhập. Còn ở các đền chùa do có Phật, thánh che chở nên không cần lo nghĩ về điều này.
Vì sao người xưa nói không nên thắp hương buổi tối? (Ảnh: Catster)
Cũng theo quan niệm của người xưa, buổi sáng là thời điểm tốt lành nhất, trời đất và không khí còn tinh khiết, trong sáng, thanh sạch, là lúc lý tưởng để con người giao tiếp với tổ tiên cũng như các vị thần linh. Ngược lại, buổi tối là thời điểm của bóng tối, của sự kết thúc, vạn vật trở về trạng thái nghỉ ngơi, không gian trở nên âm u, có thể dễ dàng sinh ra những ảnh hưởng xấu hoặc tà khí.
Ban ngày được coi là thời gian của sự sống, còn ban đêm là thời gian của cái chết, của những điều ẩn khuất. Vì vậy, thắp hương vào ban đêm có thể khiến cho hành động thờ cúng không được trọn vẹn, không được thực hiện trong sự thanh tịnh cần có.
Về mặt tâm lý, ban đêm dễ gây cảm giác sợ hãi, nhất là ngày xưa khi chưa có điện và dầu đèn rất đắt đỏ, ban đêm đồng nghĩa với bóng tối bao trùm và ánh sáng nếu có cũng chỉ le lói. Bóng tối làm tăng các rủi ro khi hoạt động và điều này càng khiến mọi người tránh làm nhiều việc. Nỗi sợ bóng tối khiến con người dễ nghĩ đến những chuyện ma quái và sợ rằng việc thắp hương vào ban đêm có thể mang tới những thế lực “không mời mà đến”.
Ngoài ra, việc thờ cúng cần được thực hiện một cách trang trọng, trong khi vào ban đêm, không gian u tối dẫn đến thiếu không khí trang nghiêm, không đủ thành kính. Con người cũng mệt mỏi và có thể thiếu sự tập trung. Trừ khi cần khấn nguyện, cầu xin ngay, còn các nghi lễ quan trọng nên được thực hiện vào ban ngày để thể hiện sự tôn kính đối với tổ tiên và các vị thần linh.
Sau khi thắp hương bao lâu thì hạ lễ?
Sau lễ cúng, gia chủ sẽ đưa lễ vật xuống để cả nhà cùng thụ lộc. Vậy sau khi thắp hương bao lâu thì hạ lễ mới chuẩn? Theo nghi lễ truyền thống, thường thì gia chủ phải đợi hết 3 tuần hương mới được hạ lễ, một tuần hương là thời gian để cháy hết 1 nén hương. Thời gian cháy của hương có thể khác nhau tùy mỗi loại.
Gia chủ không nhất thiết phải chờ đến khi đợt hương thứ nhất cháy hết mới thắp tiếp đợt sau mà có thể “gối đầu”, chỉ cần đợt trước cháy quá nửa là có thể thắp đợt tiếp theo.
Ngày nay, do điều kiện thời gian hạn hẹn, việc thờ cũng cũng giản tiện hơn, nhiều gia đình chỉ thắp hai tuần hương, thậm chí có nhà chỉ thắp một tuần hương, chờ hương cháy hết thì khấn xin hạ lễ.
Theo dân gian, nên thắp hương khấn vái tổ tiên ông bà vào khoảng từ 6h đến 10h là đẹp nhất bởi đây là khung giờ tốt, bắt đầu một ngày mới. Trước khi các hoạt động của cả gia đình bắt đầu, nên thắp cho gia tiên nén hương thơm để mong cầu một ngày mới tốt lành.
Khi thực hiện các nghi lễ cúng bái, gia chủ cần ăn mặc kín đáo, gọn gàng, tránh mặc đồ luộm thuộm, rườm rà hay hoa hòe hoa sói.
Theo VTCnews