Lưu ý khi dâng hoa cúng lên ban thờ Rằm tháng 7
Trên ban thờ ngày Rằm tháng 7 âm lịch, mùng Một, ngày giỗ chạp, lễ tết… không thể thiếu một bình hoa cúng tươi đẹp. Theo quan niệm xưa, hoa tươi tượng trưng cho sự thanh khiết, dâng cúng những điều tốt đẹp lên Phật thánh, Thần linh, Tổ tiên.
Hoa tươi mang lại hương sắc và điểm nhấn nơi không gian thờ cúng. Tùy mùa, tùy phong tục vùng miền và gia đình mà chọn lựa hoa thờ cúng khác nhau – nhưng có những loài hoa hương sắc tuyệt đẹp lại không được dâng cúng lên ban thờ.
Trong Đà La Ni Tập Kinh, quyển 6 có chép: “Hoa có mùi hôi, cây gai sanh hoa, hoa có vị đắng cay, hoa không có tên… đều không nên đem cúng”.
Theo Đại đức Thích Thanh Phương (Chùa Sủi, Bắc Ninh) từng chia sẻ rằng, ban thờ là nơi linh thiêng, tôn nghiêm nên đặt hoa cúng lên ban thờ phải đặt ngay ngắn, chú ý đến sự cân đối của bình hoa. Không đặt bình hoa quá to so với ban thờ vì sẽ khiến các vật phẩm thờ cúng khác bị che lấp. Cũng không đặt bình hoa quá bé so với ban thờ vì không cân đối.
Theo kinh nghiệm của các phật tử hay cắm hoa trang trí nơi thờ cúng thì:
– Nhà có bàn thờ lớn nên chọn bình hoa cao 30 – 35 – 40cm để cắm các loại hoa dài (như hoa lay ơn, hoa huệ, hoa lily…).
– Nhà có ban thờ nhỏ chọn bình hoa kích thước nhỏ 15 – 20 – 25cm để cắm các loài hoa cúc, hồng…
– Chọn hoa cúng thật kỹ lưỡng, chỉ chọn bông hoa chớm nở. Tránh chọn những bông hoa đã nở quá to, hoặc cành lá, cánh hoa bị giập, úa, có lỗ giữa bông.
– Chỉ nên cắm một loại hoa trong bình, không kết hợp nhiều loại hoa, nhiều màu sắc hoa trong 1 bình hoa để trưng lên ban thờ, – vì sẽ giảm bớt sự thanh tao, trang nhã, thẩm mỹ của nơi thờ cúng.
– Nếu không sắm được hoa có màu đỏ tươi, vàng rực đặc trưng trong đạo Phật, thì có thể chọn những loại hoa khác màu sắc nhạt hơn, nhưng nhất định phải tươi tắn.
– Tuyệt đối không dâng hoa giả lên ban thờ ngày Rằm tháng 7 âm lịch, các ngày sóc, vọng, ngày giỗ lễ vì chúng không trang nhã, sống động khiến không gian thờ thêm sắc khí, tươi tắn.
Hoa phong lan rất đẹp, nhưng nhiều người tránh dâng lên ban thờ Rằm tháng 7 và các ngày lễ khác. Ảnh internet.
Tránh vận xui tháng 7 âm thì chớ dùng các loại hoa cúng này
Theo phong thủy, để tránh thu hút vận xui rủi, khi sắm hoa cúng dâng lên ban thờ, các gia chủ lưu ý tránh chọn những loại hoa dưới đây dịp Rằm tháng 7 âm lịch sắp tới:
1. Các loại hoa giả
Nhiều gia đình vì tiết kiệm thời gian thay cắm hoa và chi phí mua hoa đã dùng hoa giả bày trên ban thờ cho đẹp mắt. Thế nhưng, ban thờ là nơi linh thiêng, thể hiện tấm lòng thành kính của con cháu đối với Phật thánh, Tổ tiên nên việc dâng hoa giả được cho là sẽ không thành kính, thanh tịnh.
Vì vậy không nên trưng hoa giả lên bàn thờ, nhưng có thể bày biện trên ban thờ vào ngày thường. Dịp lễ tết, rằm, mùng 1, cúng giỗ thì nên dâng hoa tươi, có sắc, có hương thơm.
2. Hoa phong lan
Được cho là hoa vương giả, rất đẹp, nhiều màu rực rỡ và tươi rất lâu. Nhưng chữ “phong” liên tưởng tới các chữ phong tình, phóng túng nên nhiều người tránh dâng lên ban thờ.
Hoa đại, hoa nhài hay trồng ở nơi tâm linh, có hương có sắc nhưng lại không được dùng để thờ cúng – nhất là Rằm tháng 7 âm. Ảnh internet.
3. Hoa đại, hoa nhài không trưng lên ban thờ Rằm tháng 7 âm
Hoa đại (hoa sứ, hoa chămpa) hay được trồng nơi tâm linh, nhưng lại không được dùng để thờ cúng vì được cho là loài hoa không may mắn, là nơi trú ngụ của các loại năng lượng xấu. Vì vậy, hoa đại không được dâng cúng lên bàn thờ.
Hoa nhài thơm và có màu trắng thanh khiết, hình dáng bông hoa cũng đẹp, thơm, nhưng cũng chỉ trồng ven nơi tâm linh chứ không được dâng cúng lên ban thờ – nhất là Rằm tháng 7 âm lịch – bởi dân gian cho loài hoa nhài hay gặp nghịch cảnh.
4. Hoa cúc vạn thọ
Hoa cúc vạn thọ (pingpong) đẹp nhưng có mùi hôi, không nên trưng trên bàn thờ để tránh gặp xui rủi.
Hoa phù dung nhanh tàn, màu sắc lại thay đổi cũng không trưng lên ban thờ. Ảnh internet.
5. Hoa phù dung
Hoa phù dung là loài hoa được màu sắc đẹp, nhưng “sớm nở tối tàn”, màu sắc lại thay đổi từ trắng sang hồng, đỏ sậm rồi tàn trong ngày nên cũng không trưng lên nơi trang nghiêm như ban thờ.
6. Hoa dâm bụt
Hoa dâm bụt có nhiều loài, kích cỡ khác nhau, có những bông rất đẹp, màu sắc tươi thắm. Nhưng vì hoa có chữ “dâm”, nhanh tàn ở nơi nhiệt độ cao như ban thờ – vì vậy, Rằm tháng 7 âm lịch và các dịp tế lễ loài hoa này cũng không phù hợp để trưng lên ban thờ.
7. Hoa cúc áo (hoa cứt lợn)
Hoa cúc áo là loại hoa dân gian có khả năng chữa bệnh, nhưng cái tên không đẹp nên chỉ có thể cắm chơi. Tuyệt đối không bày lên ban thờ – nơi được cho là có Phật thánh, thần linh và gia tiên ngự.
Rằm tháng 7 tránh dâng những bông hoa vừa đẹp vừa thơm này lên ban thờ kẻo sa sút tài lộc, rước vận xui vào nhà
Hoa cúc áo tên không đẹp nên không bày lên ban thờ. Ảnh internet.
8. Hoa lan móng rồng
Là loài hoa thơm và đẹp, nhưng cũng kiêng dâng cúng lên ban thờ dịp Rằm tháng 7 và các dịp tế lễ khác – do cái tên không đẹp.
Bàn thờ là nơi tâm linh rất linh thiêng của gia đình, dòng tộc. Vì thế, khi thờ cúng cần chú ý để tránh phạm phải những điều kiêng kị. Gia chủ nên chọn những loại hoa mang hương thơm dịu nhẹ, màu sắc tươi tắn, có tên đẹp để dâng cúng lên Phật thánh, Thần linh, Gia tiên.
Ngoài ra, nếu có điều kiện nên chọn hoa thờ cúng hợp với phong thủy, có ý nghĩa may mắn, tài lộc sẽ thu hút vận khí, năng lượng tốt hơn. Chọn hoa cúng bày trên bàn thờ tốt nhất là hoa tươi, đẹp từ hoa tới tên để tỏ trọn lòng thành kính (như hoa huệ, hoa mẫu đơn, hoa sen…). Nên dành thời gian tìm hiểu để tránh những loại hoa cấm kị đặt lên ban thờ kẻo ảnh hưởng xui xẻo tới vận khí của bản thân và gia đình.
Bên cạnh đó gia chủ cần thành tâm cúng bái, chịu khó trau dồi kiến thức, chăm chỉ lao động, làm việc thiện lành… thì mới có thể thay đổi vận mệnh và có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
* Thông tin phong thủy trong bài mang tính tham khảo, chiêm nghiệm.
Theo GĐXH