Chàng trai kể mình mới lấy vợ được hơn 1 năm. Họ là cặp đôi đáng ngưỡng mộ từ trong trường đại học. Ra trường, cả hai đều có công việc tốt, 3 năm sau mới tổ chức đám cưới nên có nền tảng kinh tế vững vàng. Vậy mà không hiểu sao họ cứ cãi cọ, hờn giận suốt.
Theo chàng trai, sau đám cưới, vợ cậu như trở thành một người khác. Cô ấy không còn hóm hỉnh, hài hước, dễ tha thứ mà trở nên khó tính, cầu toàn, lúc nào cũng tìm ra lỗi của chồng để chỉ trích.
Cậu có thú vui uống ly cà phê buổi sáng nên được ở nhà nhâm nhi thứ cà phê hảo hạng pha đúng kiểu của mình thì rất hài lòng. Nhưng vợ bảo mất thời gian, lúc thì bắt lau nhà, lúc lại bắt kê dọn đồ, ăn uống xong nhất định phải rửa bát đĩa, cốc chén và lau dọn khu bếp sạch bóng mới được đi làm, khiến cho buổi sáng đầu giờ luôn tất bật, vội vàng.
Cậu xa nhà, học đại học nên nấu nướng lên tay, nhiều món làm ổn. Cô ấy từng thích trứng cuộn, cánh gà chiên mắm, đậu sốt cà chua cậu làm. Thế nhưng cô ấy đòi phải ăn hài hoà, cân đối và thường đòi ăn các món cậu chưa bao giờ làm, nên mỗi lần vào bếp cậu đều căng thẳng.
Thú vui đọc sách cùng nhau giờ hầu như chẳng còn vì cô ấy mải dưỡng da, đắp mặt nạ, lướt Tiktok. Cậu vô tình ngồi bên đòi đọc sách cho cô ấy nghe còn bị cô ấy quát. Tự nhiên, cậu thấy tuy về sống với nhau rồi mà cảm giác thời gian bên nhau thực sự còn ít hơn.
Buồn nhất là bây giờ cô ấy không thích về quê. Mỗi lúc giỗ chạp hay bố mẹ ốm mệt cần về thăm, cô ấy đều viện hết cớ nọ đến cớ kia. Cậu thực sự không hiểu nổi, tại sao cô ấy lại thay đổi nhiều thế, dù họ đã có thời gian yêu nhau hơn 5 năm, gắn bó và cùng làm bao chuyện, mà giờ đây cậu vẫn như chung sống với một người khác…
Thanh Tâm hoàn toàn chia sẻ với những ngỡ ngàng của chàng trai trước sự thay đổi trong cuộc sống sau hôn nhân. Hôn nhân không chỉ là bước tiến trong mối quan hệ mà còn là bước ngoặt lớn trong cuộc sống của hai người.
Sự kỳ vọng với người yêu giờ trở thành chồng, thành vợ không chỉ gia tăng mà còn thay đổi nhiều hơn. Sau khi kết hôn, trách nhiệm và vai trò của mỗi người thường trở nên rõ ràng hơn.
Có thể cô ấy mong muốn cậu trở thành một người chồng lý tưởng dựa trên tiêu chuẩn mà cô ấy hình dung. Điều này khác với thời gian yêu đương tự do, thoải mái.
Vợ cậu có thể đang chịu áp lực từ xã hội hoặc gia đình về việc đảm bảo một tổ ấm ngăn nắp, nề nếp, khiến cô ấy trở nên cầu toàn, dễ tìm lỗi ở cậu vì muốn mọi thứ hoàn hảo. Nó có thể làm mất đi sự lãng mạn ban đầu, dễ khiến người ta bỏ quên những điều nhỏ nhặt từng làm đối phương hạnh phúc.
Hai người có thể xung đột về phong cách sống. Buổi sáng, cậu yêu thích sự thư thái nhưng cô ấy có vẻ đặt mục tiêu hiệu quả, gọn gàng. Cô ấy mong muốn bữa cơm đầy đủ dinh dưỡng, còn cậu lại quen với việc nấu những món đơn giản nhưng ngon miệng.
Việc cô ấy dành thời gian cho bản thân có thể khiến cậu cảm thấy bị “bỏ rơi”. Những khác biệt này chưa được xử lý tích cực dẫn đến cảm giác bất hòa ngày càng lớn.
Cậu cũng nên tìm hiểu lý do cô ấy né tránh về quê. Nếu trước đây hai người chưa dành thời gian hòa nhập với gia đình cậu, cô ấy có thể cảm thấy lạ lẫm, không gắn bó. Cũng có thể cô ấy từng gặp khúc mắc trong mối quan hệ với người thân của cậu.
Nhưng Thanh Tâm khẳng định, với tình yêu và sự gắn bó của hai người thì giải quyết những bất đồng giai đoạn đầu hôn nhân này không khó.
Hãy nói chuyện khi tâm trạng cả hai thoải mái, chia sẻ cảm xúc của cậu một cách nhẹ nhàng: “Anh cảm thấy dạo này em hơi khác so với trước, anh lo lắng không biết mình làm gì khiến em không hài lòng?”. Hỏi xem cô ấy có đang lo lắng hay áp lực điều gì không để làm dịu căng thẳng.
Với các thói quen, cậu có thể đề xuất một giải pháp dung hòa, dành buổi sáng cuối tuần thư giãn với cà phê nhưng các ngày khác sẽ hỗ trợ việc nhà để cô ấy cảm thấy bạn chia sẻ trách nhiệm.
Nếu không đồng ý với những yêu cầu như: Phải rửa bát ngay lập tức, cậu có thể thương lượng: “Anh thấy việc này hơi gấp gáp buổi sáng, hay mình để lại tối cùng làm nhé?”. Gợi lại những thói quen từng làm, dành thời gian cuối tuần để nấu món cô ấy thích hoặc đọc sách cùng nhau.
Hoặc tạo bất ngờ nhỏ như một lời nhắn yêu thương, một buổi hẹn hò bất ngờ, làm sống lại những cảm xúc tích cực ban đầu. Cậu cũng nên hỗ trợ cô ấy gần gũi gia đình cậu như cùng cô ấy nấu ăn, đi chơi với bố mẹ cậu để cô ấy cảm thấy bớt áp lực.
Cuối cùng, cậu cũng cần nhìn lại chính mình xem có khi nào vô tình tạo áp lực cho cô ấy bằng việc so sánh hoặc mong cô ấy phải giống trước đây? Cậu có thường xuyên thể hiện sự cảm kích và trân trọng những điều cô ấy làm không?
Một mối quan hệ vững bền và tốt đẹp hơn đòi hỏi cả hai cùng điều chỉnh, lắng nghe và không ngừng học cách yêu thương.
Theo Phụ nữ Việt Nam