Câu chuyện về lần đi họp lớp đại học lần đầu tiên vẫn luôn để lại dấu ấn sâu đậm lẫn xấu hổ trong tôi, một người đàn ông U50.
Ngày tốt nghiệp đại học, ai cũng hứa hẹn sẽ trở về hội ngộ trong các cuộc họp lớp. Lớp trưởng còn khẳng định dõng dạc rằng sẽ đứng ra tổ chức các buổi họp lớp thường niên để mọi người có cơ hội gặp nhau, giúp đỡ lẫn nhau nếu cần. Nhưng rồi thời gian thấm thoát đưa thoi, 27 năm trôi qua mà chúng tôi chưa có buổi họp lớp nào diễn ra cả. Đến khi tóc điểm bạc, tuổi 50 đang kéo đến, chúng tôi mới hốt hoảng gọi điện cho nhau, lên lịch cho cuộc họp lớp đầu tiên.
Anh bạn nghèo nhất lớp, đi chiếc xe máy cà tàng và bộ quần áo đơn giản đến lạc điệu trong buổi họp lớp
Sau khi thống nhất địa điểm tổ chức trên nhóm zalo, đúng hẹn, chúng tôi lần lượt đến nơi. Bạn bè ngày xưa còn trẻ trung, hồ hởi gặp lại nhau khi tóc đã đổi màu. Nhưng chúng tôi vẫn còn may mắn hơn những người bạn đã mãi mãi không thể đến buổi họp lớp này nữa. Lớp trưởng chiếu tấm ảnh 27 năm trước, chúng tôi chụp trước cổng trường đại học Sư phạm. 45 gương mặt, 45 ước mơ và hoài bão khác nhau nhưng bây giờ, mỗi người một cảnh sống. Tham dự buổi họp lớp, chỉ có 30 gương mặt mà thôi. Những người khác thì có lý do riêng để không đến dự; người thì đã mất rồi, không bao giờ đến được nữa.
Chúng tôi hớn hở tay bắt mặt mừng, kể chuyện luyên thuyên về cuộc sống cho nhau nghe. Anh bạn lớp trưởng nay đã là hiệu trưởng một trường cấp 3, gia đình êm ấm, hạnh phúc. Cô bạn bí thư lớp, nay không làm ngành giáo dục nữa mà làm bên đoàn thể của tỉnh, cũng thành danh vang tiếng, còn từng đạt nhiều giải thưởng liên quan đến đoàn đội. Bạn thân của tôi nay là giám đốc công ty, lương tháng ngút ngàn, đi xe ô tô xịn, có 2 đời vợ nhưng cô nào cũng đẹp. Hoa khôi của lớp, ngày xưa nhiều anh tán tỉnh xe đón xe đưa thì nay cũng an phận làm giảng viên đại học, một chồng 2 con 3 tầng 4 bánh.
Ảnh minh họa
Khi cả nhóm đang chuyện trò rôm rả thì có một người đàn ông ăn mặc rất giản dị, đi chiếc xe máy cà tàng, mang dép tổ ong đi vào. Anh ấy lên tiếng chào hỏi mọi người. Chúng tôi ngớ người ra một lúc rồi đồng loạt reo lên: “Là ông Tuấn, nghèo nhất lớp đại học, luôn nợ tiền quỹ lớp và không tham gia phong trào đây mà”. Anh ấy bật cười, vẻ mặt ngượng nghịu khi mọi người nhớ đến mình vì những điều chẳng mấy tự hào kia.
Anh Chí lớp trưởng đến mời Tuấn ngồi xuống. Nhìn bộ quần áo đã cũ, đôi dép của Tuấn mà ai cũng lắc đầu. Sau bao nhiêu năm lăn lộn với cuộc đời, thật không ngờ, Tuấn vẫn giữa mãi danh hiệu “nghèo nhất lớp” đến tận hôm nay.
Câu nói của cô nhân viên như tạt ly nước lạnh vào mặt mày chúng tôi, khiến cả nhóm xấu hổ tột cùng
Sự xuất hiện của Tuấn đã phần nào làm giảm đi cuộc vui. Mọi người tranh nhau khoe khoang nhà cửa, vợ/chồng, con cái. Người thì con đi du học, người thì con làm chức nọ chức kia. Chỉ có Tuấn vẫn ngồi im lặng nhâm nhi ly bia, thỉnh thoảng góp vui vài câu nói ngắn ngủn. Tôi chủ động lại trò chuyện cùng Tuấn thì mới hay anh ấy đang sống ở ngoại ô, cuộc sống rất bình yên, gần gũi với thiên nhiên.
Tuấn bảo: “Tiền bạc chỉ là của cải ngoài thân, tranh giành nhau làm chi cho tinh thần suy kiệt. Sáng uống tách cà phê với bình minh, tối ngắm trăng với vợ. Cuộc sống bình bình yên yên trôi qua như vậy mới là ý nghĩa”. Tôi bật cười với lý lẽ của Tuấn. Thảo nào cậu ấy cứ nghèo bền vững mãi.
Ảnh minh họa
Đến cuối buổi tiệc, Chí đứng dậy, giọng dõng dạc: “Hôm nay tôi mời cả lớp. Cũng chẳng có bao nhiêu đâu, đối với tôi, 22 triệu cũng chẳng phải to tát gì?”. Chí còn cố ý nhìn sang Tuấn và hỏi cậu ấy có cần tiền không, nếu cuộc sống khó khăn thì Chí sẽ đứng ra, thay mặt lớp quyên góp để giúp đỡ. Tôi nghe trong giọng điệu của lớp trưởng có 3 phần thật lòng, 7 phần mỉa mai bạn mình và không thích điều đó.
Nào ngờ, cô nhân viên vào phòng và cúi mình hỏi Tuấn: “Ông chủ, bàn ăn hôm nay ông chủ đã thanh toán, giờ có cần lấy bill không ạ?”. Chúng tôi sửng sốt nhìn Tuấn. Tuấn cười, xua tay bảo cô nhân viên ấy ra ngoài. Cậu ấy bình thản nói mình là chủ nhà hàng này và 2 nhà hàng khác trong thành phố. Nhưng bản thân thích cuộc sống giản dị nên chọn về quê chứ không ở đây. Chỉ khi nào cần điều hành nhà hàng hoặc gặp vấn đề gì cần giải quyết, Tuấn mới đến. Chúng tôi nhìn nhau, xấu hổ không thể tả nổi. Chí cũng ngượng ngùng, bảo mình có mắt mà không thấy Thái Sơn. Đúng là không thể “trông mặt mà bắt hình dong” được. Cuộc họp lớp lần này chính là một bài học làm người của tôi.
Theo Phụ nữ mới