Vợ chồng tôi đều là viên chức, lương không cao nên cũng phải tằn tiện mãi mới dám mua một căn chung cư tầm trung. Chúng tôi mới thanh toán được già nửa tiền nhà, số còn lại vẫn phải trả góp mỗi tháng hơn 10 triệu đồng.
Bình thường, lương chính và lương làm thêm của tôi dùng để chi tiêu gia đình, còn lương chồng vừa đủ trả góp tiền nhà và chi tiêu cá nhân anh.
Cũng vì mải miết kiếm tiền mua nhà nên ngoài 30 tuổi tôi mới sinh con đầu lòng. Bé mới được 5 tháng và tôi đang chuẩn bị đi làm trở lại.
Ban đầu, vợ chồng tôi dự tính sẽ đón bà nội ở quê lên chăm con giúp, mỗi tháng biếu bà thêm chút tiền. Biết là sẽ không thoải mái với cảnh mẹ chồng nàng dâu nhưng thực lòng tôi chẳng còn cách nào khác.
Với tình hình tài chính hiện tại, thuê giúp việc là điều không thể nghĩ đến. Hơn nữa, mẹ chồng tôi vẫn còn trẻ khoẻ, lại có kinh nghiệm chăm sóc trẻ; mấy đứa cháu con của anh chồng tôi toàn một tay bà chăm nên tôi hoàn toàn yên tâm.
Mọi chuyện đã lên kế hoạch đâu ra đấy thì những tính toán đó bị đổ bể vì cơ quan chồng tôi nằm trong diện phải sáp nhập đợt này. Xét tình hình cụ thể, khả năng chồng tôi mất đi công việc đã gắn bó hơn chục năm nay là rất cao. Đó là điều mà cả tôi và anh chưa bao giờ nghĩ đến.
Công việc của tôi thì chắc vẫn ổn, ngay cả nếu cơ quan tôi cần tinh gọn và tôi thuộc diện giảm biên chế thì cũng không sợ, vì lương làm thêm bên ngoài của tôi có khi còn cao hơn lương chính.
Ngay cả khi nghỉ sinh con, tôi vẫn nhận việc về nhà làm và đảm bảo thu nhập của bản thân. Nhưng chồng tôi thì khác, bao nhiêu năm nay kể từ khi ra trường, anh chỉ làm mỗi công việc đó, vị trí đó.
Vì thấy công việc này hoàn toàn phù hợp với mình nên anh không có ý định học thêm những kỹ năng khác, lâu nay cũng chẳng làm thêm gì.
Chồng nói sẽ ở nhà chăm con nếu mất việc chứ không làm xe ôm. (Ảnh minh họa: Istock)
Mấy hôm nay, tôi hỏi dò khắp nơi để tính phương án công việc mới cho chồng nhưng thực sự rất khó, vì trong giai đoạn này tìm việc không dễ dàng. Chúng tôi không thể chỉ dùng một khoản thu nhập vì khoản nợ ngân hàng vẫn treo lơ lửng trên đầu.
Tôi bàn với chồng, để tránh đứt gãy nguồn tài chính gia đình, nếu mất việc, anh nên nhận làm bất cứ việc gì có thể, thậm chí thử mở tài khoản xe ôm công nghệ, chạy Grab tạm xem sao. Làm công việc đó sẽ chủ động được thời gian và đảm bảo có tiền tươi thóc thật trang trải khoản trả góp.
Chồng tôi xưa nay vốn là người biết lắng nghe, tính tình điềm đạm, nhưng lần này lại nhảy dựng lên, kiên quyết phản đối, bảo không làm được.
Ông xã nói không phải anh chê bai công việc đó thấp hèn mà tính anh không phù hợp với nghề dịch vụ. Tôi hỏi không hợp thế nào thì anh không nói, nhưng loanh quanh một hồi thì tôi cũng hiểu ra, chẳng qua anh sợ mất thể diện khi chạy xe ôm.
Chồng đề xuất phương án thay thế là tạm thời không đón bà nội lên trông con nữa, nếu mất việc, anh sẽ ở nhà làm nội trợ, chăm con: “Con cái được chính bố mẹ chăm sóc chẳng phải tốt hơn bất cứ ai hay sao?
Bây giờ mình thắt chặt chi tiêu, thêm khoản định dùng biếu bà nội hàng tháng khi trông cháu nữa là gần đủ bù tiền trả ngân hàng. Có anh lo việc nhà, em cũng sẽ kiếm được nhiều tiền hơn, tổng cộng sẽ không kém với trước”.
Chồng động viên tôi cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này. Trong khoảng thời gian ở nhà, anh sẽ cố gắng tìm công việc phù hợp với năng lực và tính cách của anh.
Thật lòng tôi không an tâm chút nào vì chồng tôi không phải người nhanh nhẹn, tháo vát nên không dễ kiếm việc, vì anh “ổn định” quá lâu rồi. Với bằng cấp chuyên môn anh có, rất khó để tìm việc trong giai đoạn này.
Tôi đoán rằng chồng tôi cũng sẽ không nhận những công việc mà anh cho là làm mất thể diện, vì hôm qua khi tôi gọi điện cho chị bạn ướm hỏi sắp tới còn cần tuyển bảo vệ nữa hay không, anh sầm mặt gạt đi luôn.
Tôi lớn tiếng bảo chồng rằng cho dù tôi có nhận thêm nhiều việc hơn so với trước, cố hết cỡ thì mỗi tháng cũng chỉ kiếm thêm 5 – 6 triệu đồng mỗi tháng.
Tôi không thể xoay xở đủ số tiền trả nợ ngân hàng. Thế là anh bảo lấy hơn 2 cây vàng hồi môn của tôi ra bán vì đang được giá. Tôi tức sôi lên nhưng vẫn cố nhịn, nói với anh dù bán vàng cũng chỉ bù được một thời gian ngắn, nếu anh vẫn chưa xin được việc thì tính sao?
Càng bàn bạc với chồng tôi càng gay gắt, bảo thẳng rằng nếu anh không chịu bỏ cái sĩ diện của mình đi để lao ra đường kiếm tiền, chia sẻ gánh nặng với vợ thì đừng nói 2 cây vàng mà 20 cây cũng không đủ.
Vậy là hai vợ chồng cãi nhau to. Anh khăng khăng khẳng định mình không sĩ diện mà chỉ là không hợp, mắng tôi ích kỷ, khư khư giữ vàng ngay cả khi chồng gặp khó khăn.
Thật sự giờ tôi rất buồn và bế tắc, vừa chăm con mọn vừa lo kinh tế, vợ chồng thì lục đục. Tôi nên làm gì để chồng chịu làm bất cứ công việc lương thiện nào miễn kiếm được tiền nuôi con nếu không còn giữ nổi công việc hiện tại?
Theo VTC News