Trong khi chị Hoài có học vị tiến sĩ thì anh Vương chỉ có bằng cử nhân. Chị Hoài làm trong lĩnh vực ngoại giao, mối quan hệ rộng, lúc nào trông cũng trang nhã, lịch sự còn anh Vương là dân kĩ sư cầu đường da cháy nắng, bụi bặm, phong trần.
Chị Hoài lái xe riêng đi làm còn anh Vương vẫn cần mẫn một mình một xe hai bánh. Nhiều người thấy thế thì bảo, chắc chắn trong gia đình, anh Vương “lép vế” vợ, bị vợ chi phối về mọi mặt.
Nhà anh Vương ở gần một vườn hoa công cộng nên trước cổng nhà luôn có nhiều người vui chơi, đi dạo, tập thể thao. Đặc biệt, mấy cái quán trà đá, cà phê luôn là điểm tụ tập “buôn” chuyện của mấy bà đi bộ, mấy ông chơi cờ. Họ chẳng khác nào những “tay săn tin” vỉa hè.
Vợ chồng anh Vương cũng không ngoài “tầm ngắm” của họ. Đôi khi, nhìn thấy những cử chỉ quan tâm, chăm sóc của anh Vương dành cho vợ như xách túi ra xe cho vợ, mở cổng, mở cửa xe đón vợ…, mấy bà lớn tuổi lại “xì” một tiếng, kêu “mất giá”.
Trong khi đó, mấy ông châm chọc, đàm tiếu nào là: “Đàn ông đàn ang mà làm nô tì cho vợ”, “vợ là máy ATM thì chồng làm gì chả được”, “vợ tiến sĩ, sếp lớn thì chồng phải hạ mình thôi”…
Vẫn biết miệng lưỡi thiên hạ phiến diện, tiêu cực, chụp mũ nhưng ai cấm được họ không được bàn luận chuyện nhà người khác? Và khi những lời chẳng hay ho đó “bay” đến tai vợ chồng chị Hoài qua chị giúp việc thì thật chẳng dễ chịu chút nào.
Sống cùng anh Vương bao năm, từ khi yêu rồi cưới, bản chất anh Vương là người như thế nào, chị Hoài quá hiểu. Tính chất công việc của chị và chồng khác nhau, anh Vương lại không phải là người màu mè, bóng bẩy nên chị không “ép” anh phải thế này, thế kia cho tương xứng ngoại hình với vợ.
Chị càng không có suy nghĩ “chồng thấp – vợ cao”. Chị và anh đến với nhau bằng tình yêu chân thành thì mãi mãi, hạnh phúc gia đình chị cũng sẽ được xây dựng bằng tình yêu chân thành ấy.
Có lần anh Vương hỏi vợ: “Anh không có ý định học lên cao học, làm tiến sĩ cho bằng em đâu. Anh thấy bản thân áp dụng hết những kiến thức anh học hỏi được từ các thầy, các chuyên gia và đúc rút kinh nghiệm từ thực tế công việc là một điều rất tuyệt vời rồi.
Có sự chia sẻ, ủng hộ, đồng lòng của chồng thì vợ có thể phấn đấu, dành thời gian cho công việc – Ảnh minh họa
Anh không có ý phấn đấu làm nọ làm kia, cũng không có ý rẽ sang lĩnh vực nghiên cứu nên anh thấy việc học hàm, học vị đối với anh là không cần thiết. Em có thất vọng và… khó xử với người xung quanh về sự chênh lệch này không?”.
Nghe anh nói, chị hiểu, đằng sau đó là tâm tư của một người chồng luôn yêu và nghĩ đến vợ. Dẫu vợ chồng tin tưởng và quá hiểu tính nết nhau nhưng sâu thẳm trong lòng, ai chẳng có những nỗi niềm.
Chị quay sang ôm chồng, nũng nịu như con mèo con tìm hơi ấm: “Thành công của em cũng chính là thành công của anh mà! Nếu không có sự chia sẻ, ủng hộ, đồng lòng của anh thì làm sao em có thời gian để phấn đấu, dành thời gian cho công việc? Phía sau thành công của em, công của anh to lớn hơn cố gắng của em nhiều”…
Chị nói vậy, không phải để lấy lòng anh mà sự thật, chị luôn yêu, tôn trọng và cảm ơn anh rất nhiều.
Theo Gia Đình & Xã Hội