Vài năm trước, gia đình tôi từ nội thành chuyển ra khu rìa trung tâm để sống và cho con học tại đó. Vì trường con trên cùng tuyến đường bố đi làm, cũng như khu mới này khá nhiều xe to chạy qua nên tôi nhận nhiệm vụ đưa đón con trai lớp 6 đi học. Mỗi lần như vậy, thay vì dừng ngay trước cổng trường, tôi thường đỗ xe cách khoảng 150-200m, để con tự đi bộ vào lớp.
Lý do ban đầu rất đơn giản: Con trai tôi không muốn các bạn cùng lớp biết gia đình mình có điều kiện. Ở ngôi trường vùng rìa thành phố này, nhiều bạn lớp con tôi có hoàn cảnh kinh tế khó khăn hơn, và cháu không muốn sự khác biệt ấy trở thành rào cản giữa mình với bạn bè.
Cháu kể, lần đầu tiên tới trường vào đúng ngày mưa, đã chứng kiến một bạn trong lớp được bố chở vào giữa cổng trường rồi đỗ lại, khiến các xe máy bị tắc nghẽn, nhiều bạn đi xe đạp phải loạng choạng dừng, suýt ngã. “Con đã thấy nhiều bạn nhìn bạn đó bằng ánh mắt khó chịu lắm. Hôm ấy, bố cũng đỗ gần cổng trường, may quá con mới đến, chưa bạn nào biết và để ý tới”, con trai giải thích với tôi.
Ảnh minh họa
Tôi đồng ý vì thấy mừng khi cậu nhóc nhí nhố vừa rời trường tiểu học của mình có vẻ trưởng thành hơn, đồng thời cũng bởi mong con sớm hòa nhập với môi trường mới. Không ngờ, quyết định nhỏ bé này mang lại nhiều giá trị.
Thứ nhất, nó giúp con tôi rèn luyện thể chất và tính tự lập. Dù trời nắng hay mưa, cháu đều tự đi bộ vào trường. Mưa nhỏ thì chạy nhanh chân một chút, mưa lớn thì cầm ô, lúc đường ngập thì đi thêm đôi ủng (luôn có sẵn trên xe).
Thứ hai, đỗ xe xa trường góp phần giảm ùn tắc giao thông. Những khu vực gần cổng trường vốn đã chật kín xe cộ, việc dừng xe xa vài trăm mét không chỉ giúp tôi thoát khỏi cảnh quay xe khó khăn mà còn giảm áp lực giao thông cho các phụ huynh khác.
Thứ 3, trải nghiệm này cũng khiến tôi nhìn ra một số bất cập phụ huynh chúng ta cần thay đổi.
Chúng ta vì xót con nên luôn cố gắng để con đỡ “khổ” nhất có thể. Nhiều cha mẹ tìm đủ cách đỗ xe ngay sát cổng trường, bất chấp có biển cấm hay bảo vệ nhắc nhở hoặc biết rằng việc này dễ gây ùn tắc. Khi trời mưa, không ít người thậm chí lái xe vào tận sân trường hoặc đậu xe 5-10 phút tùy tiện ngay gần cổng để che ô đưa con vào tận lớp, gây cảnh ùn ứ cả dòng xe và người phía sau. Hành động này có thể còn hình thành thói quen phụ thuộc ở trẻ.
Để ý kỹ, chúng ta có thể sẽ nhận ra rằng, một số trẻ được đưa đón bằng xe hơi đôi khi thể hiện sự “vênh váo” với bạn bè, khiến môi trường học đường trở nên thiếu thân thiện. Trẻ có thể vô tình bắt chước thái độ tự cho mình có đặc quyền hơn người khác từ chính cha mẹ.
Tôi từng thấy cảnh một bà mẹ đi taxi tới đón con, yêu cầu tài xế dừng ngay ở cổng trường để chị lên tận lớp dẫn con xuống. Sau 5-7 phút quay trở lại, chị không thấy xe đâu, gọi điện thì tài xế báo đã chạy xe cách cổng xa một chút để đỡ chắn lối vào, đề nghị chị dắt con đi bộ lên một đoạn. Người mẹ sau một hồi to tiếng cự cãi, cuối cùng cũng đành dắt con tới điểm xe đậu, nhưng vẫn không thôi mắng nhiếc và thậm chí dọa sẽ gọi điện lên hãng xe phản ánh vì thái độ phục vụ khách “quá kém” của người tài xế. Tôi và không ít phụ huynh chứng kiến cảnh này đều ngán ngẩm. Không hiểu con chị sẽ nghĩ gì và sau này bé hành xử với mọi người ra sao.
Là cha mẹ, ai cũng mong muốn con mình có điều kiện tốt nhất, an toàn và đỡ vất vả nhất. Nhưng đôi khi, chúng ta quên rằng chính những hành động nhỏ hàng ngày của mình lại ảnh hưởng sâu sắc đến nhận thức của trẻ, có thể tạo tiền đề tốt để các con sau này hoàn thiện bản thân, đóng góp cho xã hội hay sẽ trở nên ích kỷ, thiếu ý thức cộng đồng.
Việc đỗ xe cách trường vài trăm mét không chỉ giúp con tôi trưởng thành hơn mà còn giúp tôi cảm nhận rõ trách nhiệm của một phụ huynh: không chỉ với con mình, mà còn với những người xung quanh.
Năm nay, con tôi lên lớp 7, có tuyến xe bus mới mở thuận tiện cho việc đến trường nên cháu chuyển sang đi xe bus cùng một số bạn trong khu, mặc dù điều này đồng nghĩa với việc con sẽ phải đi bộ xa hơn từ nhà tới bến xe hay từ chỗ xe đậu vào trường. Tôi ủng hộ và mong rằng, mạng lưới xe công cộng sẽ ngày càng mở rộng, hỗ trợ trẻ đi lại an toàn tới trường, đồng thời phụ huynh chúng ta cũng biết “buông” một chút để con cái có ý thức tự lập, trưởng thành hơn.
Đức Chính (Phụ huynh Hà Nội)
Theo VietNamNet