Thuý Hằng, một nhân viên văn phòng tại quận 1, TPHCM kể trước khi đại dịch COVID, gia đình cô thường đi du lịch nước ngoài. Nhưng sau 2 năm phải nằm nhà giãn cách vì dịch bệnh, gia đình đã chuyển hướng đi du lịch nghỉ dưỡng chữa lành.
“Cứ có thời gian rảnh rỗi là cả nhà lại xách vali lên đường. Chúng tôi không chọn đi du lịch xa như trước đây mà thường chọn những điểm du lịch gần nhà, vừa đỡ chi phí lại giải quyết được nhu cầu mong muốn. Các cháu được tiếp xúc với thiên nhiên, cha mẹ thì nghỉ ngơi thư giãn” – Hằng nói.
Du khách đi thuyền thúng trên sông Thu Bồn (Hội An, Quảng Nam).
Nhiều người ở các đô thị cũng lựa chọn đi du lịch ngắn ngày mà điểm đến của họ thường là các khu vực vùng ven, nơi chưa bị đô thị hoá nhiều và vẫn còn những cánh đồng, sông suối hay vườn cây rợp mát. Nhiều điểm đến gần trung tâm TPHCM như rừng ngập mặn hay đảo Thiềng Liềng ở Cần Giờ, các khu vườn sinh thái ở Củ Chi, Hóc Môn… đã tăng vọt lượng khách từ sau đại dịch.
Còn với M.C.- cô gái đang làm tại một đơn vị truyền thông ở TPHCM đã xây dựng khu vườn của mình tại Đắk Nông thành một khu nghỉ dưỡng mang tên An Garden.
Với địa thế ven một chiếc hồ lớn, khu nghỉ dưỡng của M.C. trở thành điểm hấp dẫn với nhiều du khách bởi họ có thể tắm hồ, chèo thuyền, khám phá các vùng đất chung quanh hay selfie với những cảnh đẹp tuyệt trần chỉ có ở các miền quê.
“Thêm một bữa ăn đậm chất quê với những sản vật địa phương, nghỉ qua đêm trong không khí yên tĩnh và thức dậy đón bình minh khi màn sương còn chưa tan thực sự mang lại rất nhiều cảm giác thư thái, nhẹ nhõm cho mọi người. Homestay của tôi gần như không bao giờ vắng khách, thậm chí vào những ngày cuối tuần hay lễ tết, khách có khi đặt trước cả tháng”, M.C. cho biết.
Theo đánh giá của trang Booking.com, xu hướng du lịch nghỉ dưỡng chữa lành giống như một “liều thuốc tinh thần” cho mỗi người trong cuộc sống hiện đại, nó tạo thành trào lưu khuyến khích du khách “ngắt kết nối” khỏi những công việc bận rộn và áp lực mỗi ngày để dành thời gian kết nối lại với chính mình.
Tuy nhiên, nghỉ dưỡng chữa lành không chỉ giới hạn ở việc nghỉ ngơi, thời gian nghỉ dưỡng còn mở ra cánh cửa để du khách khám phá và học hỏi thêm những phong tục và văn hóa mới để mang đến những thay đổi tích cực trong cuộc sống hàng ngày.
Tại toạ đàm “Quốc gia hạnh phúc – vai trò và đóng góp của khoa học liên ngành”, nhiều chuyên gia đã chỉ ra một trong các giải pháp giúp cải thiện chỉ số hạnh phúc của người Việt là phát triển các tua du lịch chữa lành.
Trong thời gian vừa qua, du lịch nghỉ dưỡng chữa lành tại Việt Nam là loại hình du lịch được tích hợp trong mô hình nghỉ dưỡng sinh thái kết với các hoạt động như thiền, yoga, trị liệu tâm lý, chẩn trị y học cổ truyền, thưởng thức ẩm thực…
Du lịch nghỉ dưỡng chữa lành với mục tiêu chăm sóc cảm xúc, xoa dịu tâm hồn… sẽ mang đến nguồn năng lượng tích cực cho du khách.
Theo Tiền Phong