Giữa tháng 3 vừa qua, Văn phòng Sở cảnh sát Gia Cát, Công an thành phố Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) nhận được cuộc gọi khẩn cấp của giám đốc một chi nhánh ngân hàng trên địa bàn. Người báo án cho biết có một người phụ nữ trung niên đến ngân hàng để chuyển khoản 0,01 NDT (khoảng 35 đồng). Nhận thấy có vấn đề, ông đã gọi cảnh sát để nhận được sự trợ giúp.
Cảnh sát đã nhanh chóng tới ngân hàng để điều tra vụ việc. Lúc này, người khách hàng họ Vương vẫn đang ngơ ngác không hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Được biết, vào lúc 13h30 ngày hôm đó, bà Vương đến ngân hàng và yêu cầu nhân viên cho mình chuyển khoản 0,01 NDT. Thấy số tiền quá kỳ lạ, nhân viên hỏi bà lý do chuyển khoản. Bà cho biết mục đích là để “xác thực tài khoản”. Lúc này bà còn cầm trên tay một cuốn sách đề tên “Sổ tay trợ cấp cho nông dân tái thiết nông thôn”.
Nghe vậy, giám đốc chi nhánh ở ngay đó nhận thấy có điều không ổn. Với sự nhạy cảm và kinh nghiệm làm việc lâu năm, ông lập tức liên lạc với cảnh sát để xác minh tình hình.
Sau khi đọc toàn bộ cuốn “Sổ tay trợ cấp cho nông dân tái thiết nông thôn”, cảnh sát đã phát hiện ra nghi vấn. Cuốn sổ có thông tin dưới danh nghĩa Bộ tài chính Trung Quốc cho biết đang có hỗ trợ chính sách lớn đến người nông dân. Người dân có cơ hội nhận “trợ cấp đặc biệt” lên tới 5 triệu NDT (17,5 tỷ đồng) từ nhà nước để làm nông, xây dựng đời sống mới.
Các câu trong văn bản đều không rõ ràng và đầy sơ hở. Sau khi tra hỏi, bà Vương cho biết mình nhìn thấy một tờ rơi quảng cáo về chính sách. Sau khi quét mã QR trên đó, bà tham gia vào một nhóm chat có tên “Phân phối trợ cấp tái thiết nông thôn”.
Người hướng dẫn cho biết bà phải xác minh tài khoản bằng cách chuyển khoản 0,01 NDT tới số tài khoản của tổ chức. Sau đó, người dân còn phải nộp thêm 50.000 NDT (khoảng 35 triệu đồng) phí kích hoạt rồi sau đó có thể xin trợ cấp từ chính sách.
Cơ quan chức năng đã xác định ngay đây là giấy tờ giả và là thủ đoạn lừa đảo của một đường dây mới. Nhóm đối tượng này nhắm đến nạn nhân là những người nông dân, người cao tuổi vốn thường ít hiểu biết về những trò lừa đảo.
Hình thức lừa đảo này bắt đầu từ việc gửi tài liệu giả mạo bằng tờ rơi hoặc đăng thông tin sai sự thật trên mạng. Các nạn nhân sẽ bị lừa tham gia vào các hội nhóm. Đối tượng sử dụng chiêu bài chính sách quốc gia và hỗ trợ của nhà nước, tạo ra các chương trình “đầu tư thấp lợi nhuận cao”.
Lợi dụng tâm lý ngây thơ của nạn nhân, sau khi chuyển tiền, bên lừa đảo sẽ dùng nhiều lý do khác nhau như sai số tài khoản, sai sót thao tác để yêu cầu tiếp tục chuyển tiền. Sau khi đã thu được một khoản đủ, bên tội phạm sẽ chặn nạn nhân rồi biến mất. Điều đáng nói là phương thức lừa đảo này nhắm đến nhiều người nông dân ở vùng sâu vùng xa nên rất khó nắm bắt và phát hiện kịp thời. Hiện đường dây lừa đảo này đã bị cảnh sát địa phương bắt giữ và điều tra.
Theo Đời sống và Pháp luật